Xây dựng nội dung, tổ chức hoạt động như thế nào để nhà văn hóa có thể phát huy tốt vai trò, ý nghĩa, làm phong phú và giữ gìn tốt hơn những giá trị văn hóa cộng đồng và bản địa, mang thêm những điều hay, điều mới đến với cộng đồng là các […]
Xây dựng nội dung, tổ chức hoạt động như thế nào để nhà văn hóa có thể phát huy tốt vai trò, ý nghĩa, làm phong phú và giữ gìn tốt hơn những giá trị văn hóa cộng đồng và bản địa, mang thêm những điều hay, điều mới đến với cộng đồng là các vấn đề cần quan tâm trong việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa ở cơ sở hiện nay.
Nhà văn hóa luôn được nhấn mạnh như một phần không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến, nâng cao tri thức, thỏa mãn nhu cầu văn hóa của người dân. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên cả nước, số lượng trung tâm văn hóa cơ sở (cấp xã – phường, thôn, ấp) lên đến hàng chục nghìn. Tuy vậy, hoạt động của các thiết chế này, chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng, gây tốn kém, lãng phí. Trong đó phải kể tới hàng nghìn nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng với mức kinh phí hơn 100 triệu đồng mỗi nhà đang hoang vắng, hư hỏng dần tại nhiều buôn làng ở năm tỉnh Tây Nguyên, do công tác quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa này còn bị bỏ ngỏ. Điều nghịch lý là trong khi số lượng Nhà văn hóa tăng lên thì hiệu quả hoạt động lại có phần sút giảm. Việc xây dựng và vận hành các thiết chế văn hóa mới chỉ đáp ứng được phần “vỏ”. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa và công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; thể hiện qua tình trạng nhiều nhà văn hóa ở cơ sở đang tồn tại một cách lắt lay, hoạt động đơn điệu, nghèo nàn; nhiều công trình chỉ “xây lên để đó” đã gây bức xúc dư luận.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hoạt động kém hiệu quả, lãng phí công năng các thiết chế văn hóa này, và một trong các nguyên nhân chủ yếu là không phù hợp với thực tiễn địa phương. Từ trước đến nay, nhà văn hóa thường được xây dựng bằng nguồn ngân sách phân bổ từ trên xuống, thường thì nhà văn hóa cấp huyện (còn gọi là Trung tâm văn hóa huyện) sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng trước với quy mô hoành tráng, rồi mới đến nhà văn hóa xã, và cuối cùng là nhà văn hóa thôn, bản. Trong 19 tiêu chí để một địa phương (hiện nay đang cố gắng đạt chỉ tiêu “phủ kín” ở cấp xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có tiêu chí: Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiêu chí này, một mặt, góp phần thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; tạo điều kiện giúp người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của người dân thành thị và nông thôn. Nhưng mặt khác tiêu chí này lại dẫn đến tình trạng “chạy đua” xây dựng nhà văn hóa xã, cốt làm sao “đạt chỉ tiêu” để được công nhận (!). Sự gấp rút cho “kịp tiến độ” dẫn đến việc xây dựng tràn lan, lãng phí là điều không tránh khỏi. Nhiều nơi, ở các địa phương miền núi, vùng xa vùng sâu, nơi có mật độ dân cư thấp, lại không đủ nguồn kinh phí để xây dựng nhà văn hóa – khu thể thao với quy mô như vậy, và càng thiếu kinh phí duy trì hoạt động của các thiết chế này. Gần đây, nhiều kênh thông tin đã phản ánh tình trạng “nợ” của nhiều xã, nhiều nơi khi cố gắng vay mượn kinh phí để xây dựng các hạng mục công trình (trong đó có nhà văn hóa xã, thôn). Tổng số nợ này cộng lại trên cả nước là không nhỏ và gây bức xúc. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu tìm ra một mô hình tổ chức và nội dung hoạt động phù hợp, hiệu quả cho nhà văn hóa càng trở nên cần thiết.
Có thể coi Dự án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP Hà Nội” – được thực hiện trong thời gian ngắn (từ tháng 9 đến tháng 12-2016) tại Nhà văn hóa thôn Đoài, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là một mô hình cần được tham khảo. Đơn vị chủ trì, đầu tư cho ý tưởng này là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, có sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cùng phối hợp thực hiện với chính quyền huyện, xã, thôn và cộng đồng dân cư. Dù đây là một dự án không lớn, thực hiện thí điểm trong thời gian ngắn nhưng đến nay cách thức tổ chức, hiệu quả hoạt động đã được đánh giá tốt. Dự án này triển khai hoạt động tại Nhà văn hóa thôn Đoài với các nội dung hoàn toàn tự nguyện dựa trên sự phát huy sáng kiến của người dân. Với sự hướng dẫn chỉ mang tính gợi ý ban đầu, cộng đồng dân cư tự thấy những nhu cầu văn hóa cần được chia sẻ của mình và tìm những cách để (tự) đáp ứng. Các hội viên cựu chiến binh muốn thành lập Câu lạc bộ Di sản và ký ức, để kể lại câu chuyện lịch sử từ ký ức chiến đấu, sưu tầm và trưng bày kỷ vật thời chiến tranh, thời bao cấp… Chị em phụ nữ lại thích có một Câu lạc bộ Mỹ thuật để khuyến khích và truyền dạy nghệ thuật, hội họa. Với sự giúp đỡ của dự án, các chị đã có Câu lạc bộ làm hoa và cắm hoa nghệ thuật, Câu lạc bộ văn nghệ dân gian (giúp nhau tập hát chèo, hát quan họ), Câu lạc bộ khiêu vũ (kết hợp thể dục dưỡng sinh). Các hoạt động chung khác cũng diễn ra khá sôi nổi, như: nói chuyện về khoa học, văn hóa, về những chủ đề sát gần và thiết thực với cuộc sống (tự chăm sóc sức khỏe, chọn mua thực phẩm sạch, giữ gìn và chăm sóc môi trường gia đình, thôn xóm). Đáng chú ý là các nhóm, các câu lạc bộ không cần trụ sở, không “xin” kinh phí, các hoạt động chủ yếu diễn ra tại hội trường nhà văn hóa thôn và mọi người tham gia hào hứng. Những điều đó chứng minh rằng: Khi mô hình thiết chế văn hóa gần với cộng đồng sẽ có sức sống mạnh mẽ.
Nhìn từ chiều sâu lịch sử, sức sống của các giá trị văn hóa Việt Nam xưa nay thường nằm ở cộng đồng, được cộng đồng nuôi dưỡng, duy trì, bảo tồn. Trong cơ cấu tổ chức cộng đồng của người Việt, làng (thôn) xóm là thành tố cơ bản. Vì vậy các hoạt động văn hóa được tổ chức ở làng (thôn) dễ phù hợp, gắn bó với cộng đồng, cụ thể và sống động. Điều này lý giải tại sao khi hoạt động của câu lạc bộ ở cơ sở được linh hoạt tổ chức tại lớp học, sân trường, trung tâm khu dân cư,… lại có hiệu quả hơn so với khi được tổ chức tại hội trường, trên sân khấu.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của hệ thống nhà văn hóa hiện nay, cần có cách tiếp cận khác so với trước đây, cụ thể hơn là vai trò, ý nghĩa hoạt động của nhà văn hóa cấp cơ sở cần được nhìn nhận theo chiều “từ dưới lên”. Việc chú ý đầu tư xây dựng và định hướng, triển khai hoạt động cũng cần theo hướng này chứ không nên “từ trên xuống” như lâu nay. Những người làm công tác liên quan đến hoạt động, cũng như việc quản lý các nhà văn hóa cấp cơ sở cần có sự am hiểu các yếu tố truyền thống, như: trật tự, thói quen, tập tục, tập quán,… của các cộng đồng dân cư mới có thể làm tốt việc điều hành. Đây là công việc không đơn giản song không phải là không thể làm được. Mặt khác, nhà văn hóa cơ sở muốn có những hoạt động tốt và phong phú cần mở rộng chức năng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn nghệ, thể thao (có tính hình thức) đơn thuần, mà phải mang tính chất đa năng, đa dạng, thiết thực để phục vụ, đáp ứng được các nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.
Theo Báo Nhân dân