Văn hóa cơ sở

Về Khánh Hà nghe hát trống quân

 Trong nhộn nhịp những âm thanh sôi động của làng quê đang từng ngày đổi mới, về xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) để được nghe điệu hát Trống quân. Với 50 thành viên, CLB hát Trống quân xã Khánh Hà đã góp thêm một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của […]

 Trong nhộn nhịp những âm thanh sôi động của làng quê đang từng ngày đổi mới, về xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) để được nghe điệu hát Trống quân. Với 50 thành viên, CLB hát Trống quân xã Khánh Hà đã góp thêm một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân nhân dân bởi những câu hát luyến láy, da diết, chỉ nghe một lần là nhớ mãi.

Xã Khánh Hà có địa hình khá thơ mộng với sông Nhuệ và Tô Lịch chảy qua. Bà Đinh Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà là một người dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho hát Trống quân. Theo bà, theo tích xưa để lại,  hát Trống quân có ở Khánh Hà từ thời vua Lê Lợi. Hát Trống quân đã trở thành một nét văn hoá đẹp của Khánh Hà, là chất keo kết nối nhiều đôi trẻ nên vợ thành chồng. Từ trước, người Khánh Hà hát Trống quân theo kiểu tự phát, muốn gìn giữ một nét văn hoá dân gian. Từ năm 2006, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây về sưu tầm, phục hồi các điệu hát. Sau đó, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cũng tìm về hỗ trợ, khôi phục lại các làn điệu. Năm 2013, Sở VHTTDL Hà Nội đã đầu tư cho CLB 20 triệu đồng. CLB hát Trống quân Khánh Hà được thành lập từ năm 2006. Cho đến nay, CLB vẫn duy trì được 50 thành viên. Tuy có nhiều lứa tuổi (trẻ nhất mới lên 10, già nhất cũng đã ngoài 70) nhưng điểm chung là các thành viên đều rất tích cực luyện tập, say mê với câu hát, có nhiều đóng góp cho phong trào văn hoá văn nghệ của xã cũng như làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Từ năm 2005 đến nay, CLB đã duy trì đều đặn việc mở lớp dạy hát cho các cháu có độ tuổi từ 9- 15 tuổi. Để hát được Trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Khánh Hà có 6 người được phong tặng Nghệ nhân biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật hát Trống quân đó là các cụ, ông bà: Tô Thị Tốn, Lê Văn Trường, Nguyễn Thị Vẫy, Nguyễn Thị Lơ, Nguyễn Thị Điệp, Nguyễn Văn Bôn. Rất tiếc là cụ Tốn đã qua đời còn nghệ nhân Lê Văn Trường đang bị bệnh nặng. Nét mới của hát Trống quân ở Khánh Hà đó chính là các nghệ nhân đã sáng tác thêm những lời ca mới để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Ông Lê Văn Trường, ở làng Đan Nhiễm, là người gắn bó với hát Trống quân từ khi còn nhỏ. Ông là người đã đến từng nhà để vận động tham gia CLB hát Trống quân. Ông cũng là một giáo viên nhiệt tình dạy các cháu hát…Hiện nay tuy sức khoẻ giảm sút, đi lại khó khăn nhưng ông vẫn rất tâm huyết với hát Trống quân. Ông cho biết, theo thời gian, điệu hát Trống quân có lúc thăng, lúc trầm. Thời còn thịnh vượng, mỗi khi có trăng là các chàng trai, cô gái hai bên bờ sông Tô Lịch lại rủ nhau ra bờ sông hát Trống quân. Khi đất nước có chiến tranh, trai gái lên đường làm nghĩa vụ quân sự, điệu hát Trống quân vì thế cũng bị gián đoạn, mai một đi nhiều, có lúc tưởng rơi vào quên lãng. Những người tâm huyết với điệu hát này như ông, thỉnh thoảng lại ngâm nga cho vợi nỗi nhớ một nét văn hoá đặc sắc của vùng quê này và cũng để đỡ quên lời những câu hát đã chinh phục bao lớp người Khánh Hà. Khi Khánh Hà được cấp trên đầu tư,  hát Trống quân đã vượt ra khỏi ranh giới của vùng quê này, nhiều lần biểu diễn ở Cung văn hoá hữu nghị Hà Nội,  đã giành giải nhất tại Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội… Trong hát trống quân, khó nhất là điệu sa mạc. Ông bảo: Tôi say Trống quân lắm, tiếc là bệnh tật thế này, nhưng mỗi khi xã cần, CLB cần, tôi đều hết lòng giúp đỡ, dạy cho các cháu hát.

Nhờ sự đầu tư, quan tâm của các cấp, tình yêu, sự tâm huyết với nghề  của các nghệ nhân, các thế hệ trẻ mà hát Trống quân ở Khánh Hà đã có được sức sống mới. Xã đã đầu tư đóng thuyền, may trang phục cho các diễn viên của CLB. Ngày hội làng của xã, người dân nơi đây cũng như khách thập phương lại được thưởng thức điệu hát độc đáo này. Chia tay Khánh Hà, trong tôi cứ văng vẳng câu hát của  nghệ nhân Lê Văn Trường: “Cô cả, cô hai đấy ơi/Muốn về Đan Nhiễm với anh thì về”. Câu hát như một lời mời gọi, hãy về Đan Nhiễm, về Khánh Hà để  nghe điệu hát Trống quân, một loại hình văn nghệ dân gian mang đậm tính cộng đồng làng xã của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

1

Các thành viên CLB hát Trống quân đang tập luyện cho các cháu thôn Đan Nhiễm (Ảnh: Hoàng Sơn)

Minh Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *