Địa danh

 Về nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) được biết đến có nghề dệt lụa truyền thống nổi tiếng và là cơ sở cách mạng của tỉnh Hà Đông (xưa). Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến để cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do.

 Làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) được biết đến có nghề dệt lụa truyền thống nổi tiếng và là cơ sở cách mạng của tỉnh Hà Đông (xưa). Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến để cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do.

Trên bàn làm việc của Bác Hồ tại Nhà lưu niệm ở Vạn Phúc còn trưng bày bản phục chế Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Vào những năm 1936-1945, Vạn Phúc là An toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi từng nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp…, được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm nơi chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng trước các địa phương khác. Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc 16 ngày đêm (3/12/1946- 19/12/1946) tại nhà ông Nguyễn Văn Dương. Trong thời gian ở đây, Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến được vạch ra tại hội nghị này đã được thể hiện trong Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng. Hội nghị cũng thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và được phát đi khắp cả nước:

 “Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”

Trong thời điểm nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói hoành hành, khó khăn chồng chất, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu, từng chữ súc tích, giản dị, đanh thép của Hịch cứu nước đã khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng đấu tranh bất khuất; có sức mạnh cổ vũ, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngôi nhà ba gian, hai tầng khi Bác ở và làm việc tại Vạn Phúc vẫn được gìn giữ nguyên trạng làm khu vực chính Nhà lưu niệm Bác Hồ. Bên phải, bên trái ngôi nhà có hai dãy nhà ngang, trước đây đặt khung cửi và đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, nâng cấp trần và nền. Dãy bên phải làm phòng khách đón tiếp Nhân dân, khách trong nước, quốc tế tới thăm; dãy bên trái trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Vạn Phúc. Bút tích “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Trên bàn làm việc của Bác còn trưng bày bản phục chế “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (bản gốc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Cạnh đó là bản phục chế những trang báo Cứu quốc mà Bác vẫn thường đọc trong thời gian ở đây để nắm tình hình…Nhà lưu niệm Bác Hồ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1975.

Làng Vạn Phúc ngày nay mang vẻ đẹp ấn tượng.

Tự hào về quá khứ của quê hương, làng Vạn Phúc ngày nay đang bứt phá trên đường đổi mới. Nghề dệt lụa vẫn ngày đêm rộn rã tiếng thoi đưa. Những sản phẩm mang thương hiệu lụa Vạn Phúc luôn được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Với những thế mạnh sẵn có, phường Vạn Phúc tiếp tục định hướng phát triển làng nghề gắn kết du lịch; tập trung cải thiện môi trường; bảo tồn, tôn tạo các di tích, lịch sử, văn hóa; đào tạo nghề cho thế hệ trẻ…nhằm mang lại vẻ đẹp ấn tượng và sự giàu có cho quê hương cách mạng.

Thảo Nhi

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *