Văn hóa

Về thăm làng có hai Trạng nguyên

Đất Cổ Hoạch (nay là làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) không chỉ có nghề làm quạt, làm lồng chim nổi tiếng, mà còn là vùng địa linh – nơi sinh ra hai vị Trạng nguyên và nhiều bậc tiền nhân có công với dân, với nước.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng họ Nguyễn Đức ở làng Canh Hoạch, người trông coi nhà thờ Trạng nguyên của làng, kể: Theo tư liệu thì từ thời Hùng Vương đến thời Trần, Canh Hoạch đã từng lưu chân hoàng tử và các vị danh tướng khi đi tuần thú qua đây. Đình Canh Hoạch thờ 3 vị thần tên là Trình Lý, Cao Hàn và Trần Uất. Tương truyền, Trình Lý và Cao Hàn là hai vị tướng thời Hùng Duệ Vương đem quân đi đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang. Khi dẫn quân qua Canh Hoạch thấy thế đất đẹp trông ra sông Đáy, cạnh làng lại có khe hào rất thuận lợi cho lập đồn lũy liền đóng quân ở làng. Đến thời Trần có tướng Trần Uất – con thứ hai tướng quân Trần Hưng Đạo đã sát cánh bên cha chống giặc Nguyên – Mông. Thấy Canh Hoạch là nơi đắc địa cũng đem quân về lập đồn binh. Ghi nhớ công ơn các vị tướng đã bảo trợ cho làng, dân làng Canh Hoạch đã tôn thờ các ngài làm Thành hoàng.

Một góc làng Canh Hoạch.

Người xưa nói “Địa linh sinh nhân kiệt” (đất thiêng sinh người tài giỏi). Người Canh Hoạch về văn đã từng đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ làm tới Thượng thư; về võ làm tới Thái bảo và nhiều vị công, hầu, bá. tử. Các vị có nhiều công lao đóng góp cho dân, cho nước, nhiều ân nghĩa với dân làng. Cách đây gần 600 năm, vị thủy tổ dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch là cụ Nguyễn Bá Ký – người khai đại khoa đầu tiên cho xã Dân Hòa. Cụ thi đỗ Đệ tam giáp, đồng tiến sĩ xuất thân năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Cụ được phong đến chức Binh bộ Thượng thư. Cụ có người con trai là Nguyễn Đức Lượng và con gái là Nguyễn Thị Hiền. Nguyễn Đức Lượng đỗ Trạng nguyên năm 1514, dưới triều vua Lê Tương Dực khi đã 50 tuổi. Ông nêu gương sáng về lòng quyết tâm kiên trì học tập. Ông được phong chức Tả thị lang Bộ Lễ. Ông được người đương thời ca ngợi: “Văn chương lừng lẫy suốt bậc nho khoa, lẫm liệt tựa tùng bách với sương thu”.

Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng có người cháu là Nguyễn Thiến – con của em gái  Nguyễn Thị Hiền. Nguyễn Thiến thi đỗ Đệ nhất giáp, tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (tức trạng nguyên) năm 1532 khi ông 38 tuổi, dưới triều Mạc Đăng Doanh. Nguyễn Thiến được phong tới chức Lại bộ Thượng thư, Tước lại Quận công. Ông có ba người con thì con trai cả Nguyễn Quyện được phong Thái bảo Thường quốc công. Trải tiếp 8 đời sau, Canh Hoạch có nhiều người đỗ tam trường và được bổ nhiệm làm quan, kéo dài suốt gần 300 năm trong lịch sử (từ 1463-1750).

Các bậc cao niên dòng họ Nguyễn tề tựu tại nhà thờ Trạng nguyên để trao đổi công việc của dòng họ.

Canh Hoạch hiện nay có nhà thờ họ Nguyễn Đức hay còn gọi là nhà thờ Trạng nguyên khởi dựng từ thời Hậu Lê, đến năm 1821 được triều Nguyễn tu sửa và giữ lại dáng vẻ cho đến nay. Nhà thờ họ Nguyễn Đức còn giữ được nhiều di vật quý gồm hai tấm bia đá tạc từ thế kỷ thứ XVII, cuốn tộc phả, các sắc phong thần, một số câu đối sơn son thiếp vàng. Nhà thờ họ Nguyễn được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia (năm 1995). Trong nhà thờ họ Nguyễn Đức có đôi câu đối (tạm dịch): Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa bảng đầu, sáng ngời sử sách/Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời hưởng lộc vua ban, phúc lớn gia truyền. Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động về làng Canh Hoạch có Trạng cậu, Trạng cháu.

Nhiều tư liệu quý vẫn được lưu giữ tại nhà thờ Trạng nguyên.

Ngoài nhà thờ Trạng nguyên, ở Canh Hoạch còn có đình Sắc hay còn gọi là nhà thờ Thường Quốc công Nguyễn Quyện, tọa lạc trên nền nhà cũ của thân mẫu Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Ban đầu đình Sắc được dân làng dựng lên để quản giữ những đạo sắc vua phong cho những vị Thành hoàng làng. Về sau thờ danh tướng Nguyễn Quyện và là nơi ghi dấu công tích của gia tộc Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Ở đình Sắc có đôi câu đối (tạm dịch) cho thấy rõ điều đó: “Văn đỗ Trạng nguyên, võ làm tới Thường Quốc công, phú quý đầy triều”.

Canh Hoạch ngày nay luôn gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học mà ông cha để lại. Hàng năm, cứ đến ngày Tết, ngày giỗ hai Trạng nguyên, các vị chức sắc của làng đều đem lễ vật đến thắp hương tại từ đường dòng họ. Vào ngày hội làng 11 tháng ba âm lịch, cả làng lại tổ chức mang kiệu cùng cờ, biển đến rước long ngai, bài vị của Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và Thường Quốc công Nguyễn Quyện về đình để tế hội đồng. Sau đó, làng lại tổ chức rước về nhà thờ an vị ở Từ đường.

Trải qua hàng trăm năm, truyền thống khoa bảng luôn là dấu son cho Canh Hoạch và là niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây. Tiếp bước ông cha, mỗi năm Canh Hoạch có hàng chục học sinh thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng và nhiều học sinh học giỏi được khen thưởng. Đây là mạch nguồn quý giá duy trì sức sống và sự trường tồn của Canh Hoạch hôm nay.

Mai Phương

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *