Văn hóa cơ sở

Về Trung Lập nghe tiếng hát chèo

Những nghệ sĩ nông dân nơi đây thường tụ họp vào buổi tối, ở nhà văn hóa hay sân đình để cùng nhau tập chèo và hát chèo. Hát chèo là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ…

Huyện Phú Xuyên là địa phương đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý giá, trong đó có hát chèo.

Hát chèo nổi tiếng nhất là ở làng Trung Lập, xã Tri Trung.

Điều quý giá nhất ở đây là những người nông dân hàng ngày bộn bề với bao công việc mà vẫn say mê với hát chèo. Những nghệ sĩ nông dân nơi đây thường tụ họp vào buổi tối, ở nhà văn hóa hay sân đình để cùng nhau tập chèo và hát chèo.

Hát chèo là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Khi vui chơi, trò chuyện, lúc hội làng, dịp lễ tết, hay khi lao động trên cánh đồng, những nghệ sĩ nông dân này lại cùng nhau hát chèo, khiến không khí lao động, sinh hoạt thêm vui vẻ, hăng say. Qua những câu hát, họ gửi gắm vào đấy những hy vọng về cuộc sống phồn vinh, về những niềm mơ ước cá nhân và tình yêu quê hương, đất nước.

Chèo Tri Trung phát triển mạnh ở những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Khi ấy, địa phương được tiếp đón nhiều nghệ sĩ chèo của các đoàn chèo lớn về tập huấn, tiếp sức cho người dân địa phương yêu chèo và thêm nghị lực giữ gìn chèo, dù cho cuộc sống lúc đấy và sau này còn đầy gập ghềnh, khó khăn.

Hiện CLB chèo Tri Trung đã nổi danh khắp nơi. CLB gồm đội trưởng, đạo diễn, nhạc công và những diễn viên, do ông Lê Văn Nhạnh làm chủ nhiệm.

Chèo Tri Trung nổi tiếng bởi các nghệ sĩ nông dân nơi đây có giọng hát hay, có niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Hàng trăm câu chèo cổ đã được người Trung Lập thuộc và truyền nhau qua các thế hệ. Đặc biệt, CLB còn tập và biểu diễn thành công nhiều vở chèo kinh điển như: Quan âm Thị Kính, Tấm Cám, Lưu Bình – Dương Lễ… Bên cạnh đó, CLB còn sáng tác nhiều trích đoạn phục vụ Nhân dân, như: Khói lửa Cầu Giẽ, Đất quê hương…

CLB đã có những thành viên hết lòng với chèo như: Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhuệ  Phái; các nghệ nhân: Lê Thị Hài, Lê Văn Nhạnh, Lê Hữu Thái, Nguyễn Văn Quản, Lê Thị Mến … Tiêu biểu là các ông: Nguyễn Văn Đoàn, Lê Đình Nguyên, Nguyễn Văn Bất – Những người có nhiều công đóng góp cho CLB chèo của làng từ những năm 1960 đến nay.

CLB hiện có 30 thành viên, chủ yếu ở lứa tuổi cao niên, trung niên và thanh niên. Để chèo tiếp tục phát triển và có sự kế tục, hàng năm CLB thường tổ chức các lớp truyền dạy miễn phí cho các em thiếu niên, nhi đồng địa phương, vào dịp hè. Hiện đã có hàng trăm em địa phương được CLB truyền dạy.

Sân đình và Nhà văn hóa là nơi CLB chèo Trung Lập thường xuyên luyện tập

Về  xã Tri Trung trong những ngày tháng 4/2024, thấy những con đường rợp cờ đỏ tung bay đón chào ngày lễ chiến thắng của dân tộc, trong cái nắng gay gắt thấy văng vẳng đâu đây tiếng hát chèo của những chị, những cô, những bác tranh thủ lúc nông nhàn luyến láy, tập câu hát chèo. Đi trên những con đường nông thôn mới kiểu mẫu đầy hoa khoe sắc, những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mướt mát, lòng ta mát rười rượi và thật vui, khi vẫn còn những người yêu và gắn bó với nghệ thuật truyền thống. Cảm động hơn, khi tìm hiểu về CLB chúng tôi được biết các thành viên của CLB thường bỏ tiền ra quyên góp mua nhạc cụ, trang phục biểu diễn…

Một Trung Lập đẹp và trù phú, nơi nuôi dưỡng văn hóa truyền thống. 

Theo ý kiến của lãnh đạo huyện Phú Xuyên, chèo Tri Trung đã góp phần làm nên sức sống văn hóa của quê hương. Việc thành lập các câu lạc bộ, người già truyền dạy cho người trẻ, người trẻ phát huy vốn quý của tiền nhân đã nối dài sức sống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, từ nay đến năm 2025 huyện Phú Xuyên sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó dành một phần kinh phí để hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật dân gian, trong đó có CLB hát chèo làng Trung Lập, xã Tri Trung…

Quỳnh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *