Tin ngành

Vĩnh biệt người con ưu tú của Thủ đô – PGS.TS nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang

Sau giấc ngủ trưa ngày 11/9, người con ưu tú của Thủ đô – PGS.TS nhà thể thao Hoàng Vĩnh Giang đã ra đi nhẹ nhàng trong ngôi nhà của mình ở tuổi 76. Ông ra đi là mất mát quá lớn của gia đình, của ngành Thể thao Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946, trong gia đình danh gia vọng tộc ở làng Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bố ông là cố giáo sư Hoàng Minh Giám – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

Anh hùng lao động Hoàng Vĩnh Giang có nhiều đóng góp cho ngành thể dục thể thao Việt Nam. 

Không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần, trí tuệ của người cha mà ông Hoàng Vĩnh Giang còn bộc lộ rõ năng khiếu thể thao điền kinh và võ thuật từ rất sớm. Ông đã có một sự nghiệp vận động viên lừng lẫy, với tư cách một kỷ lục gia nhảy cao, cột mốc 1m96 mà ông tạo nên tồn tại trong một thời gian dài ngót 30 năm cuối thế thế kỷ 20.

Là vận động viên xuất chúng của thể thao Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang sau đó đi học tại Ucraina (Liên Xô cũ). Năm 1981, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện TDTT Kiev. Không chỉ đam mê nhảy cao, ông Hoàng Vĩnh Giang còn đam mê và rất giỏi nhiều môn thể thao khác như bóng đá, bóng rổ, boxing… Ông đồng thời còn là một võ sư, luyện tập nhiều môn võ khác nhau từ thủa nhỏ, dạy Vịnh Xuân quyền cho nhiều học viên quốc tế trong thời gian học tập nghiên cứu tại Liên Xô cũ.
Trong sự nghiệp thể thao, ông Hoàng Vĩnh Giang từng đảm nhiệm các vị trí: Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á, Phó Chủ tịch Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ SEA Games, Asiad, và Olympic.

Ông Hoàng Vĩnh Giang (thứ ba, từ phải qua) được trao tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010.

Trong vai trò Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội những năm 1990, đầu thập niên 2000, ông Hoàng Vĩnh Giang đã để lại di sản to lớn cho thể thao Hà Nội và Việt Nam. Với chủ trương “đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công”, ông đã đưa hàng trăm VĐV tài năng của thể thao Hà Nội, trong đó có những VĐV mới 6-7 tuổi như Ngân Thương, Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Chí Đông, Lan Anh (điền kinh), Nam Hải (bóng bàn)… sang Trung Quốc tập huấn dài hạn. Những VĐV đi Trung Quốc “nằm gai nếm mật” nhiều năm đã giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 22. Cùng với đó, ông còn là người đưa rất nhiều môn thể thao mới như: đấu kiếm, wushu, boxing, vật, judo, pencak silat… vào Việt Nam và giúp các môn này bay cao.

Kể từ năm 2003, ông Hoàng Vĩnh Giang được xem là chiến lược gia số một của thể thao Hà Nội và cả nước, gắn với thời điểm thành công rực rỡ của Việt Nam khi tổ chức thành công toàn diện SEA Games 22 với ngôi nhất toàn đoàn. Đây chính là cú hích tạo nên bước đột phá trong sự phát triển và hội nhập quốc tế của cả một nền thể thao, với vai trò cùng dấu ấn lớn của vị Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.
Thể thao Hà Nội dưới thời ông lãnh đạo cũng đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp lực lượng nòng cốt cho đội tuyển quốc gia ở nhiều môn mũi nhọn giành HCV tại các kỳ SEA Games như điền kinh, thể dục dụng cụ, bóng đá nữ, cầu mây, nhảy cầu… và nhất là cả các môn võ karate, đấu kiếm, taekwondo, wushu, judo, vật, pencak silat…Không chỉ các môn vật, võ mà “kiến trúc sư” của thể thao Hà Nội còn chính là người đặt nền móng cho bóng đá nữ Thủ đô bằng cách mời HLV Giả Quảng Thác sang huấn luyện.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, với chuyên môn giỏi, đọc thông viết thạo nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung, Nga…ông luôn là nhà ngoại giao hàng đầu và là nhà thiết kế cả ba Đại hội thể thao quốc tế tầm khu vực và châu lục đầu tiên Việt Nam đăng cai: SEA Games 2003, Đại hội thể thao trong nhà châu Á 2009, Đại hội Thể thao bãi biễn châu Á 2016 – ba Đại hội Việt Nam đều giành những vị trí nhất, nhì toàn đoàn một cách hết sức thuyết phục, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của cả đất nước trên trường quốc tế.

Ông được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam, là người sáng lập và làm Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền thế giới hiện đã có hơn 50 thành viên quốc gia, vùng lãnh thổ ở cả năm châu lục. Ông cũng góp phần quyết định vận động thành công đưa Võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games.

Cùng với đó, ông còn giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung Hà Nội. Tại cương vị này, ông đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh được cả hai phía ghi nhận. Ông chính là người đã đưa các HLV nổi tiếng Phan Hán Quang, Trần Húc Hồng, Ngô Thanh Vỹ, Lư Kiến Thành, Giả Quảng Thác, Suhartono, K. Pizma hay N. Alexev…đến với Việt Nam.

Năm 2004, ông Hoàng Vĩnh Giang đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và cũng vinh dự được Nhà nước Lào trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010.
Năm 2006, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì những đóng góp của ông đối với nền thể thao Việt Nam, đồng thời là người đầu tiên trong ngành Thể dục thể thao được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Năm 2010 ông được trao tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Năm 2012, tại Thế vận hội Olympic London, ông được Ủy ban Olympic quốc tế IOC trao tặng giải thưởng quốc tế vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào Olympic Việt Nam nói riêng và phong trào Olympic quốc tế nói chung.
Trong những năm cuối sức khỏe của ông giảm sút do cùng lúc bị nhiều bệnh liên quan đến tim mạch. Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam vẫn làm việc không ngừng, và đột ngột ra đi khi đang chuẩn bị cho cuộc họp Ban chấp hành Hội đồng Olympic châu Á OCA theo lịch ngày 13/9.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam, Anh hùng Lao động Hoàng Vĩnh Giang qua đời đã để lại cho ngành thể thao Hà Nội và rất nhiều những nhà quản lý, HLV, VĐV Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn về một tấm gương lao động và cống hiến cho Thể thao Việt Nam đến những giây phút cuối cùng.

Xin được vĩnh biệt ông, PGS.TS nhà thể thao, nhà ngoại giao thể thao tài ba, người con ưu tú của Thủ đô./.

XL

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *