Điện ảnh

” Vĩnh cửu” – Bài ca sự sống của đạo diễn Trần Anh Hùng

Thời gian trôi, sự bất tận của chu kỳ sống, tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử… tất cả tạo ra một cảm thức đẹp về sự sống, sự vĩnh cửu.

Tác phẩm điện ảnh mới nhất của Trần Anh Hùng mang tới cho người xem hình dung rõ nhất về thời gian trôi, và quan trọng hơn cả là sự xúc động về vẻ đẹp của sự sống.

Xem phim Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng: bài ca sự sống
Cảnh trong phim Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng – Ảnh: ĐPCC

“Vĩnh cửu”, “sự sống” hay “thời gian trôi”… đều là những khái niệm trừu tượng, ta chẳng thể nhìn hay cầm nắm trong tay được. Nhưng bằng ngôn ngữ điện ảnh mới lạ, đạo diễn Trần Anh Hùng mang tới những cảm xúc rõ ràng, chân thực về các khái niệm ấy.

Sẽ là một thách thức nếu phải kể lại nội dung Vĩnh cửu, bởi bộ phim không kể một câu chuyện rõ ràng theo trật tự tuyến tính. Tác phẩm mở ra khi cô gái Valentine ở tuổi đôi mươi kết hôn cùng anh chàng Jules. Hình ảnh kết thúc phim là sự xuất hiện của Alice – cô cháu gái của Valentine – đi trên cầu Paris. Phía trước cô, chàng thanh niên chạy về phía Alice, họ gặp nhau như một định mệnh.

Khoảng cách thời gian từ khi Valentine 20 tuổi tới tuổi đôi mươi của cháu gái Alice là một trăm năm. Trong vòng một thế kỷ ấy, những chàng trai, cô gái thẹn thùng gặp nhau, họ yêu thương và va chạm nhau như bản năng thuần khiết.

Rồi những cái bụng phồng lên, và những đứa trẻ ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết. Thời gian trôi, người còn kẻ mất. Những đứa trẻ lớn lên, yêu thương nhau, tiếp tục sinh con đẻ cái.

Xem phim Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng: bài ca sự sống
Đạo diễn Trần Anh Hùng tại Hà Nội ngày 5-9 – Ảnh: Hiền Đỗ

Cây phả hệ về gia đình Valentine không ngừng to lớn, tỏa nhánh khắp không gian. Sự sống lặp đi lặp lại như một chu kỳ, không có tận cùng. Đó là sự vĩnh cửu của dòng dõi.

Trong gần hai giờ đồng hồ, Vĩnh cửu trình ra những hình ảnh, âm thanh đẹp về sự sống. Ở đó, không có những thắt nút, mở nút cao trào, không có một câu chuyện giật gân, hay tư tưởng… Sự duy lý được tác giả loại bỏ hết, để nhường chỗ cho cảm xúc.

Kết nối những hình ảnh là lời dẫn của người kể chuyện và âm nhạc. Nhưng cách tác giả đưa lời dẫn vào phim cũng thật khác biệt. Các lời dẫn không nhằm minh họa cho hình ảnh, và hình ảnh cũng không giải nghĩa cho lời dẫn. Giữa âm thanh (lời dẫn, âm nhạc, tiếng động) và hình ảnh là sự kết hợp nhằm mang lại cảm xúc tới người xem.

Xem phim Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng: bài ca sự sống
Cảnh quay hôn lễ trong nhà thờ – Ảnh: ĐPCC

Điều đó thể hiện rõ nhất trong cảnh Henri (con trai của Valentine) bày tỏ nguyện vọng muốn lấy vợ. Màn hình chiếu hình ảnh Henri nói với mẹ về việc muốn cưới Mathilde, rồi xuất hiện hình ảnh Henri cùng Mathilde ngày bé chơi trò đạp xe tưởng tượng cùng nhau.

Nhưng lời người kể chuyện lúc ấy lại nói về một lễ đính hôn ấm cúng. Rõ ràng, tác giả muốn khán giả cảm nhận lễ đinh hôn chỉ là nghi thức xã hội, còn tình yêu giữa hai người, nó bắt nguồn từ tuổi thơ, từ sự gắn bó giản dị như trò chơi ngày bé.

Giống như những phim trước đây của Trần Anh Hùng, Vĩnh cửu cũng thực hiện những thước phim cầu kỳ trau chuốt, nâng niu. Ở đó không chỉ có cái đẹp, sự tinh tế, mà người xem còn cảm nhận rõ sự yêu thương.

Xem phim Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng: bài ca sự sống
Câu chuyện của những người phụ nữ tạo cảm xúc cho người xem – Ảnh: ĐPCC

Không có một hình ảnh gợi lên sự căm ghét, thù hằn, bức xúc… Ở đó chỉ tràn ngập tình yêu thương, những nụ hôn, tình cảm giữa người nam và người nữ, giữa cha mẹ và con cái.

Thời gian trôi, sự bất tận của chu kỳ sống, tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử… tất cả tạo ra một cảm thức đẹp về sự sống, sự vĩnh cửu.

“Tình yêu chẳng bao giờ là có sẵn”

Bộ phim như một cuốn album ảnh với mỗi khung hình như một bức ảnh kỷ niệm mà khi lật lại từng trang, nó như một câu chuyện về cuộc đời, về tình yêu, về sự sống, cái chết và sự vĩnh cửu.

Vĩnh cửu không đi theo trật tự tuyến tính thời gian, mà được xen lẫn trong từng cảm xúc của ba nhân vật nữ chính. Mỗi khi một cái chết xuất hiện, những hình ảnh quá khứ – thực tại, vui tươi – đau khổ lại hiện lên như những dòng suy nghĩ, hồi ức.

Ánh mắt đầu tiên khi Valentine gặp gỡ Jules, cái chạm mũi đầy bản năng của Mathilde khi chào đón một đứa con mới, sự bỡ ngỡ, hồi hộp của Gabrielle trong đêm tân hôn… là những khoảnh khắc đời thường nhưng được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh đầy chất thơ.

Vợ đạo diễn Trần Anh Hùng – nữ diễn viên kiêm giám đốc thiết kế mỹ thuật Trần Nữ Yên Khê – là người dẫn chuyện trong tác phẩm kiệm lời thoại này. Tiếng đàn piano xuất hiện xuyên suốt phim đi theo tâm trạng các nhân vật, để rồi cuối cùng kết thúc bằng một cao trào qua sự tổng hòa của một dàn nhạc.

Lúc này mọi âm thanh, tưởng như vụn vỡ nhất, lại hòa quyện tạo nên một bản giao hưởng về cuộc đời. Tiếng khóc mở đầu cho một cuộc đời nhưng cũng sẽ kết thúc một hành trình, mở ra những chặng đường mới và xuyên suốt qua từng thời kỳ.

Nhân vật Charles – chồng của Gabrielle – đã nói: “Tình yêu chẳng bao giờ là có sẵn”. Mỗi con người sẽ tự tạo nên tình yêu. Và chỉ có tình yêu mãi mãi là “vĩnh cửu”.

Nguyên Minh

Theo tuoitreonline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *