Tiêu điểm Hà Nội

 “Vui Tết độc lập” ở Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Với chủ đề “Vui Tết độc lập”, trong suốt tháng 9, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2022).

Chương trình “Vui Tết độc lập” diễn ra với nhiều nhóm hoạt động, bao gồm: Nhóm hoạt động chủ đề “Sắc màu xứ Tuyên”; nhóm hoạt động “Sắc màu Tây Nguyên”;  nhóm hoạt động cuối tuần; nhóm hoạt động hàng ngày. Qua đó giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”. Đồng thời góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình.

Nhóm hoạt động chủ đề: “Sắc màu xứ Tuyên” sẽ có các chương trình: “Chợ phiên vùng cao – Sắc màu xứ Tuyên”; “Sắc màu chợ phiên”; Giới thiệu nét đặc sắc nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tỉnh Tuyên Quang; Tái hiện “Lễ cưới” của đồng bào dân tộc Dao; Tái hiện lễ cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang

Chương trình “Chợ phiên vùng cao – Sắc màu xứ Tuyên” tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ phiên vùng cao Tuyên Quang với 50 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương, các sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống của các dân tộc Tuyên Quang…

Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc sẽ biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao.

Du khách tham quan Làng dịp này sẽ được tìm hiểu và thưởng thức nét đặc sắc trong nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tỉnh Tuyên Quang. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông.Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Với tiếng khèn vui, người Mông mời bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn, còn khi buồn tiếng khèn chậm và trầm…

Chương trình Tái hiện “Lễ cưới” của đồng bào dân tộc Dao sẽ tái hiện một trong những nghi lễ đặc sắc còn được lưu truyền cho đến ngày nay là lễ cưới của người Dao đỏ. Nghi lễ đón dâu bắt đầu từ bên nhà trai với đoàn nhạc lễ của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm, chọe, thanh la sang nhà gái xin dâu. Nét đặc biệt trong đám cưới của người Dao là trang phục của cô dâu với chiếc khăn đỏ lớn chùm đầu có đính nhiều nụ hoa đan từ len đỏ, cài xen những lắc nhạc đồng. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống…Xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của người Dao đỏ đã bị mai một theo thời gian nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới vẫn được người Dao đỏ lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau bởi trong đó chứa đựng nhiều yếu tố về văn hóa và lịch sử của tộc người.

Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang sẽ được tái hiện. Ảnh Minh Hoa

Chương trình Tái hiện lễ cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang sẽ tái hiện một tập quán không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Đối với người Pà Thẻn, lễ cấp sắc không phải là khẳng định sự trưởng thành của người đàn ông (giống như người Dao), mà là sự công nhận được phép thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, được thần thánh phù hộ và được làm thầy cúng trong các nghi lễ cúng thần thánh, cúng tổ tiên… Vì vậy, chỉ có người đàn ông làm thầy cúng mới được cấp sắc. Người đàn ông Pà Thẻn muốn được cấp sắc, làm nghề thầy cúng thì phải học cúng trong một thời gian dài, đây là điều kiện bắt buộc trước khi được thực hiện nghi lễ cấp sắc.

Nhóm hoạt động “Sắc màu Tây Nguyên” gồm hoạt động tái hiện Lễ ăn trâu, gọi là xa ố kpiêu của dân tộc Cor, tỉnh Quảng Ngãi. Người Cor tổ chức Lễ ăn trâu khi làm ăn khấm khá được mùa, mừng nhà mới hoặc di dời làng đến nơi ở mới hay khi làng có nhiều người ốm đau dịch bệnh, để cảm tạ thần linh và cầu bình an, sung túc. Bên cạnh Lễ ăn trâu, nghệ thuật đấu chiêng cũng là một trong những sinh hoạt độc đáo của người Cor. Thông qua tiếng chiêng, cách trình diễn đấu chiêng, người Cor bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với thần linh, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Nhóm hoạt động cuối tuần gồm chương trình biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với các tiết mục xiếc đặc sắc như: Xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo…; chương trình “Trung Thu cho em” với các hoạt động rước đèn, múa lân, trò chơi truyền thống, giới thiệu trình diễn và tương tác nghề thủ công truyền thống,…

Du khách trải nghiệm làm bánh cùng đồng bào Cơ Tu tại Làng.

Vào chủ nhật tuần cuối cùng của tháng 9, du khách sẽ được trải nghiệm Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Lễ Sen Dolta – lễ cúng ông bà tổ tiên ghi ơn sinh thành nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ, là một trong những lễ lớn trong năm của dân tộc Khmer.

Ngoài ra, tại không gian các làng, cuộc sống của đồng bào sẽ được tái hiện hàng ngày với nhiều hoạt động như: trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, dân ca dân vũ của các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer,.. trong đó tăng cường kết nối, các hoạt động trải nghiệm, tương tác cùng du khách.

V.H

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *