Để tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình “Vui tết Trung thu” phục vụ các cháu thiếu nhi, Nhân dân thủ đô và du khách bốn phương.
Tết Trung thu là một trong bốn lễ tết lớn nhất của người Việt, diễn ra vào giữa mùa thu, ngày rằm tháng Tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Tết Trung thu có nguồn gốc từ một nghi lễ nông nghiệp. Thời xa xưa, người nông dân thường ngắm trăng, tiên đoán thời tiết, dự đoán mùa màng “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.
Ngay từ thời Lý, Trung thu đã trở thành một lễ hội mang tính quốc gia, diễn ra đồng thời ở trong chốn cung đình và ngoài dân gian. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121) cho biết, dưới thời vua Lý Nhân Tông trị vì, tiết Trung thu được triều đình tổ chức rất long trọng. Ngoài các nghi lễ quan trọng của hoàng gia, nhà vua còn mở hội ba ngày cho nhân dân vui chơi. Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long đều được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy. Đến các triều đại phong kiến sau, Trung thu vẫn là lễ tiết quan trọng của hoàng tộc và đất nước. Ngoài dân gian truyền thống, các gia đình thường ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng.
Và không biết từ bao giờ, Trung thu mặc định đã trở thành ngày Tết của trẻ thơ. Các em háo hức từ những ngày đầu tháng Tám, đã được bố mẹ mua tặng đồ chơi, vui rước đèn, đánh trống, múa lân dưới ánh trăng thu vằng vặc trên khắp phố phường, làng quê. Để tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình “Vui tết Trung thu” phục vụ các cháu thiếu nhi, Nhân dân thủ đô và du khách bốn phương.
Với chủ đề “Đèn thu lung linh”, các em nhỏ và du khách có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử văn hóa nói chung và tết Trung thu nói riêng.
Dựa trên các nguồn tư liệu quí của các nhà nghiên cứu nước ngoài như Henri Oger, Albert Kant; bảo tàng Quai Branly (Pháp)… Trung tâm đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh)… phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán… Nổi bật nhất là đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn quả đào, quả lựu, đèn trống…
Chương trình còn có các gian hàng bày đồ chơi trung thu truyền thống như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông…
Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa sư tử sẽ diễn ra vào các khung giờ 10h00; 11h00; 15h30; 16h30 các ngày 23, 24/9/2023.
V.H