Văn hóa cơ sở

Xã Ba Trại (huyện Ba Vì) giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế – xã hội, thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn di sản, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô. Với những giải pháp hiệu quả, nhiều giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được khôi phục, phát huy giá trị trong đời sống.

Các CLB văn hóa văn nghệ cồng chiêng được thành lập góp phần thiết thực lưu giữ nét văn hóa  truyền thống (Ảnh : P. Ngân)

Trong đó, xã Ba Trại (huyện Ba Vì), nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, là một ví dụ điển hình. Nơi đây, văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con.

Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án “Bảo tồn bản có văn hóa dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 – 2020 và cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Hà Nội giai đoạn 2018 – 2021, Hội LHPN xã Ba Trại đã tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động tuyên truyền giữ gìn truyền thống tốt đẹp, để văn hóa cồng chiêng ngày càng lan tỏa trong đời sống.

Hiện nay ở các thôn của xã Ba Trại đang duy trì lưu giữ 5 bộ cồng chiêng. Để phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống, xã đã thành lập và duy trì hoạt động của 3 Câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ cồng chiêng với sự tham gia của gần 60 thành viên, trong đó phần lớn là hội viên Hội LHPN  xã Ba Trại. Hàng năm, các thành viên trong CLB đều tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ. Các bậc nghệ nhân tích cực truyền dạy lại những tiết tấu, âm hưởng của tiếng chiêng, bắt nhịp theo nhịp đối của chiêng, khơi lại lời hát ví, hát đối, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc Mường. Nhiều năm trở lại đây, vươn ra khỏi đời sống gia đình, cồng chiêng xã Ba Trại đã đến gần hơn với công chúng. Mỗi khi khai mạc mùa du lịch, những CLB cồng chiêng lại được dịp biểu diễn say sưa trước thập phương du khách. Bà Đinh Thị Nhung (thôn 5), một trong những thành viên gắn bó với Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cồng chiêng cho biết: “Biểu diễn cồng chiêng hát tiếng Mường hiện nay chủ yếu là phụ nữ  thực hiện, do đó chúng tôi nhận thức được bản thân mình phải thừa kế giá trị văn hóa lớp người đi trước truyền dạy lại cho con cháu. Khi tham gia CLB chúng tôi có cơ hội đóng góp, phát huy truyền thống của đồng bào mình”.

Bà Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại cho biết, văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường tại xã Ba Trại vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn. Nguyên nhân là do đặc điểm của xã Ba Trại là xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, đồng thời là địa bàn sinh sống xen kẽ giữa người Kinh và người Mường, dân cư sống rải rác và trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số xã Ba Trại, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân có ý thức chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

 An Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *