Di tích gò Đống Thây đã được Bộ VHTTDL lịch công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 993/QĐ ngày 28/9/1990.
Di tích lịch sử gò Đống Thây là di tích nổi tiếng ở quận Thanh Xuân. Đống Thây – chỉ thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò. Xưa kia khu vực này thuộc cánh đồng làng Cự Chính – Nhân Mục, tên Nôm là “Kẻ Mọc”, tên chữ là Nhân Mục.
Cuối năm 1426, trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan – Hà Nội ngày nay thoát khỏi ách đô hộ của quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đã có những trận đánh mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục, tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây. Trên khu đất này có nhiều xác giặc, Nhân dân gọi là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh”, “Gò Đống Thây”.
Di tích Gò Đống Thây nay thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Sự kiện này đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “ Hôm ấy (20/9 Bính Ngọ 1426), Lê Triện đánh nhau với quân Minh ở Nhân Mục, chém hơn một ngàn thủ cấp giặc, bắt được tên Đô ty nhà Minh là Vi Lượng (Viên Lượng)” ; “Ngày mồng 6 (tháng Mười Bính Ngọ – 1426), Vương Thông nhà Minh đem các quân mới, cũ gồm 10 vạn tên, chia làm ba đường đánh vào quân ta…Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục đóng quân ở cầu Thanh Oai. Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng…Quân Minh đuổi theo, phi qua bờ cầu Tam La (Ba La ngày nay), chỗ ấy ruộng nước bùn lầy, quân mai phục của ta nổi dậy, đánh tạt ngang vào bọn giặc…Ta chém hơn một nghìn thủ cấp, đuổi đến đầu cầu Nhân Mục. Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài mươi dặm…”.
Với những giá trị đặc biệt này, di tích gò Đống Thây đã được Bộ VHTTDL lịch công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 993/QĐ ngày 28/9/1990.
Nhiều năm qua, di tích đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Với mục đích bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích khu gò Đống Thây trở thành Công viên văn hóa lịch sử, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu lịch sử cho Nhân dân, ngày 25/10/2018, UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây với quy mô: Tu bổ gò số 1 và gò số 3; xây dựng mới miếu thờ, bổ sung bia và biển tại gò số 2; xây dựng mới các hạng mục công trình: Nhà quản lý và trưng bày (5 gian), 4 gò mô phỏng, cùng với đó là các hạng mục phụ trợ: Cổng chính, cổng phụ, khu để xe, sân lễ, sân khấu, phù điêu, tường rào, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ v.v.
6 năm qua, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Thanh Xuân thường xuyên trao đổi, đối thoại với công dân tại các buổi tiếp công dân định kỳ gần 20 buổi) trước khi thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho việc triển xây dựng Công viên văn hóa lịch sử.
Phối cảnh Dự án Công viên văn hóa lịch sử Gò Đống Thây
Với hiện trạng xuống cấp và bị che kín bởi các hộ dân sinh sống ở quanh hiện nay, di tích Gò Đống Thây không phát huy được hết các giá trị to lớn và quý giá vốn có. Vì vậy, quận Thanh Xuân xác định việc tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây trở thành Công viên văn hóa lịch sử là rất cần thiết.
Thanh Anh