Gia đình

Xây dựng gia đình Thủ đô “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Gia đình là một thiết chế quan trọng đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng và mỗi cá nhân; là môi trường lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc. Do đó, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong sự nghiệp đổi mới của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung; là trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, xã hội và của mọi công dân.

Ảnh minh họa: Internet.

Ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72 lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ngày 21/2/2005, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Kể từ đó cho tới nay, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại có chiều hướng giảm… Vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác quản lý nhà nước về gia đình được tăng cường, công tác giáo dục đời sống gia đình và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác gia đình được đặc biệt quan tâm. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cơ sở về công tác gia đình trên địa bàn toàn Thành phố; Hướng dẫn Ban Chỉ đạo công tác gia đình quận, huyện, thị xã phối hợp với cơ quan liên quan cùng cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) gắn với Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình… 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác gia đình và thúc đẩy việc giáo dục gia đình, hỗ trợ thông tin cho các các thành viên trong gia đình, sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và xã hội.
Việc thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa có nhiều chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trung bình hằng năm đạt trên 85% (so với tổng số hộ dân). Vấn đề bảo vệ, giáo dục trẻ em, chăm sóc người cao tuổi được gia đình và cộng đồng đặc biệt quan tâm; bình đẳng giới luôn được đề cao chú trọng, bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực cũng như trong cuộc sống; tình trạng ly thân, ly hôn do bạo lực gia đình có xu hướng giảm.
Để công tác gia đình đạt hiệu quả như mong muốn, để gia đình thật sự là “tế bào” của xã hội, góp phần xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công tác gia đình Thành phố Hà Nội trong những năm tới sẽ được triển khai thực hiện với các nội dung trọng tâm:
Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác gia đình.
Hai là: Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về chủ trương của Đảng, chính sách luật pháp của Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình, các cơ quan; những người thi hành công vụ liên quan đến gia đình để bảo đảm, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình.
Ba là: Đẩy mạnh giáo dục, cung cấp cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; kỹ năng sống (Kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình; Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình; Kỹ năng ứng xử giữa cha mẹ và con; kỹ năng làm cha, mẹ, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em); trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình; trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ; tiếp thu các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bốn là: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan để góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình chính sách, gia đình liệt sỹ, gia đình thương binh bệnh binh, gia đình thuộc các dân tộc ít người, gia đình nghèo, gia đình đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Năm là: Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng các dịch vụ tạo điều kiện, giúp cho các gia đình tiếp cận, tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, xây dựng gia đình ngày càng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Thái Hòa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *