Tin ngành

Xây dựng Hà Nội trở thành không gian sáng tạo mang “tố chất riêng”

Với nhiều lợi thế sẵn có, cơ hội cho Hà Nội chính là sự trở thành và sự thể hiện vị thế của mình – là một không gian sáng tạo khổng lồ, có vị thế dẫn đầu cả nước cũng như có thương hiệu quốc tế.

Những nỗ lực gần đây cho thấy Hà Nội đang dần định hình sự phát nhằm định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo. Điều đó cũng có nghĩa, Hà Nội sẽ trở thành một không gian mở cho các ngành công nghiệp sáng tạo, với sự phát triển đa dạng của các không gian sáng tạo thực thể và cả trên không gian mạng.

Hà Nội sẽ trở thành một không gian mở cho các ngành công nghiệp sáng tạo. Ảnh: Internet.

Theo nghiên cứu gần đây nhất về các không gian sáng tạo của Hội đồng Anh, Hà Nội là nơi có số lượng không gian sáng tạo lớn nhất Việt Nam. Điều đó thể hiện rất rõ năng lượng sáng tạo cũng như vị thế đi đầu một cách tự nhiên của Hà Nội trong xu thế phát triển không gian sáng tạo. Đó cũng bởi những lợi ích mà các không gian sáng tạo mang lại như góp phần cải thiện bộ mặt thành phố, xây dựng thương hiệu cho địa phương; Đồng thời, nó cũng tạo ra công ăn việc làm mới, truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối, cũng như tạo ra cơ hội tiếp cận mở tới các nguồn kiến thức và kĩ năng, cơ hội tiếp cận về chính trị, chính sách và giúp làm cho cuộc sống cá nhân trở nên tốt hơn.
Tuy vậy, cũng theo khảo sát của Hội đồng Anh, các không gian sáng tạo chủ yếu vẫn mới chỉ là những dự án khiêm tốn, được xây dựng bằng sự đam mê và đầu tư hạn chế của một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tính bền vững của các không gian sáng tạo này không cao, chủ yếu dựa trên những nguồn kinh phí tài trợ hạn hẹp của các tổ chức quốc tế hoặc cá nhân, phụ thuộc vào diện tích đất đai đi thuê, thiếu tính ổn định. Đặc biệt, do tính chất ngẫu hứng và tình nguyện, hầu hết các không gian sáng tạo ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng, đều không được quản trị theo phương pháp chuyên nghiệp, trong đó các vấn đề nổi cộm liên quan đến mô hình kinh doanh, tài chính, xây dựng thương hiệu, marketing, nhân sự, v.v…
Trong khi đó, theo như ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sáng tạo (VCE Club), sự hình thành của các không gian sáng tạo là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh của thành phố sáng tạo. Các không gian sáng tạo này có thể hiện diện với tư cách một quần thể các doanh nghiệp sáng tạo (như Miami Design District, Florida, Hoa Kỳ hoặc Hanoi Creative City), một khu vực trưng bày sản phẩm sáng tạo (kiểu như Dubai Creative Hub hoặc Phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm), hoặc các khu “chợ” buôn bán, trao đổi hàng hoá sáng tạo (kiểu như đồi Monmartre ở Paris, Pháp). “Chúng ta cần khuyến khích sự phát triển của các không gian sáng tạo mang tính độc lập, đang được tổ chức và vận hành ở Thủ đô” – ông Vinh nhấn mạnh.
Các không gian sáng tạo ở Hà Nội hiện đang tập trung vào các lĩnh vực: Các không gian làm việc chung, chủ yếu thu hút các lĩnh vực thiết kế, phần mềm, truyền thông, quảng cáo; Các không gian hỗ trợ nghệ thuật; Các không gian sáng tạo chuyên ngành. Ngoài ra, có một số không gian sáng tạo khác, chỉ tồn tại dưới dạng các nhóm cá nhân hoạt động nghệ thuật, không hoạt động ổn định, thường được dựng lên theo nhu cầu sáng tác của một hay một nhóm tác giả, tại một địa điểm không thường xuyên và có thể di chuyển.
Ngoại trừ các không gian làm việc chung, thường có vốn đầu tư bài bản, có hậu thuẫn của các doanh nhân, có đầu tư từ các quỹ tài chính, phần lớn các không gian sáng tạo khác đều hoạt động nhờ sự nhiệt tình của các sáng lập viên và cộng sự của họ. Phần lớn họ không có kinh phí đầu tư cho hoạt động xây dựng thương hiệu, marketing và truyền thông bài bản, nên chỉ có những người trong nghề mới quan tâm và tham gia các sự kiện của họ.
Như vậy, bên cạnh việc nuôi dưỡng, phát triển các không gian sáng tạo đơn lẻ, hoặc những liên minh kiểu nhóm, bản thân một thành phố sáng tạo phải liên tục, thường xuyên có những sự kiện thu hút công chúng và người làm nghề. Các sự kiện này được tính toán, phù hợp với mục tiêu phát triển ngành nghề đặc thù của địa phương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển, tuyển dụng nhân sự và quảng bá sản phẩm.
Khi Hà Nội lựa chọn thiết kế là một ngành sáng tạo then chốt thì không thể không có những liên hoan hoặc triển lãm thiết kế ở quy mô lớn. Tương tự như vậy, nếu Hà Nội chọn âm nhạc như là một tâm điểm của công nghiệp văn hoá Thủ đô thì cần nhiều hơn các liên hoan Gió mùa, các chương trình nghệ thuật đỉnh cao như London Symphony Ochestra, như liên hoan âm nhạc thể nghiệm… Một không khí nghệ thuật bao trùm thành phố cũng là một yêu cầu thiết yếu và thực tế. Những tấm áp phích quảng cáo hoạt động văn hoá – nghệ thuật – cần được ưu tiên. Các sản phẩm nghệ thuật và màu sắc rộn ràng của văn hoá phải bao trùm trong không gian vật lý cũng như những câu chuyện thường ngày của người Hà Nội. Và quan trọng không kém, là những khu phố, những đoạn đường mang màu sắc của nghệ thuật và sáng tạo.

“Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert” là sự kiện văn hóa lớn thường niên nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa TP Hà Nội và VNA. Ảnh: Vietnam Airlines.

Hà Nội đã có rất nhiều không gian vật lý như Phố đi bộ Hồ Gươm, Phố sách 19/12, Hoàng Thành Thăng Long, Công viên Lý Thái Tổ, Công viên Thống Nhất, các sân vận động, các nhà bảo tàng, nhà văn hoá,… Chỉ cần tạo chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người làm nghề sáng tạo có cơ hội khai thác các tiện ích này thường xuyên và liên tục thì rất dễ tạo ra không khí văn hoá, nghệ thuật bao trùm thành phố. Các không gian công cộng dành cho trình diễn và triển lãm sáng tạo, cũng như các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng là những trải nghiệm cần có để nhận diện sức sống văn hoá ở một thành phố sáng tạo.
Cũng theo ông Lê Quốc Vinh, Hà Nội được định vị là một thành phố thiết kế sáng tạo, nhưng chưa đủ. Định vị thương hiệu, phải hội đủ ba yếu tố: Sự khác biệt; Tính phù hợp; và Triết lý riêng của thương hiệu. Đối với Hà Nội, đâu đó còn cần thêm các yếu tố khác biệt mang tính đặc trưng văn hoá Việt Nam, cá tính của vùng đất ngàn năm văn hiến, sự tương thích với con đường chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô… Cùng là một thành phố thiết kế sáng tạo, nhưng Hà Nội nhất định phải có tố chất riêng, để mỗi người có cảm nhận đặc trưng về nó, giữa rất nhiều thành phố sáng tạo khác. Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội chính là tìm cho nó một giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó, và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó.
Truyền thống văn hoá và sáng tạo của người Hà Nội đã có sẵn. Nhưng không phải ngành nghề nào cũng có thể trở thành lợi thế phát triển. Hà Nội cần nghiên cứu và chọn lựa trọng tâm, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người làm sáng tạo. Một khi chúng ta đã thừa nhận đặc tính thị trường của công nghiệp văn hoá thì phải để cho nó phát triển theo quy luật cung – cầu. Chính quyền phải trở thành “bà đỡ” cho những ngành nghề có tiềm năng tạo ra công ăn việc làm ổn định, có thị trường và có khả năng thu hút nhân tài. Vai trò của nhà nước cực kỳ to lớn trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hoá – công nghiệp sáng tạo nói chung và sự hình thành và phát triển – của các không gian sáng tạo nói riêng.

L.V

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *