Tin ngành

 Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Hơn 40 tham luận cùng ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu không chỉ giải mã những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mà còn cung cấp những thông tin thiết thực, phong phú, sinh động từ cơ sở, góp ý trực tiếp vào Dự thảo Chỉ thị của Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Chiều 23/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025″ tổ chức Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp”.

Quang cảnh Hội nghị tọa đàm

Hội nghị tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã. Chủ trì Hội nghị gồm Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng và TS. Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội.

Báo cáo đề dẫn Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn là nơi cả nước hướng về, với niềm tin và hy vọng. Sự tin yêu đặc biệt đó mang đến cho người Hà Nội niềm tự hào, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao với người Hà Nội hôm nay. Nhận thức được điều đó, trong nhiều năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng báo cáo đề dẫn 

Tuy nhiên, sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt tình trạng đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” gây ra nhiều hệ lụy, trong đó vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong lý luận cũng như thực tiễn cuộc sống. Nhiều người nghi ngờ rằng, thanh lịch liệu có còn phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay không? Thậm chí, có người còn bày tỏ sự không đồng tình về thanh lịch, văn minh của Hà Nội khi trong cuộc sống còn tồn tại nhiều hành vi phi văn hóa, không phù hợp thuần phong mỹ tục…

Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh là yêu cầu hiện thực khách quan có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô lại càng mang tính cấp thiết. Vấn đề đặt ra là: Những giá trị nào trong hệ gia đình truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội cần gìn giữ và gìn giữ bằng cách nào? Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Có cần xây dựng những phẩm chất nào mới không? Và nếu cần thì đó là phẩm chất gì? Các giải pháp khả thi, có hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh?… Hàng loạt vấn đề cũ có, mới có nhưng đều đặt ra cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới trong điều kiện mới! Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Hà Nội cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ, có tính khả thi.

Tại Hội nghị tọa đàm, PGS.TSKH Lương Đình Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nêu những vấn đề trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam và những vấn đề đặt ra với Hà Nội. Ông nhận định, Hà Nội rất nhanh nhạy, sáng tạo, thiết thực khi là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa vấn đề trên ra bàn thảo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô về việc giữ gìn, bồi đắp, lan tỏa hệ giá trị gia đình và chuẩn mực văn hóa người Hà Nội. Cần làm rõ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội từ xưa tới nay để đưa ra các giải pháp thực hiện thiết thực, hiệu quả.

PGS.TSKH Lương Đình Hải đóng góp ý kiến

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chia sẻ, Hội nghị tọa đàm là một trong những động thái thiết thực và quan trọng của Hà Nội trong bối cảnh đang có sự chuyển dịch về các giá trị giữa cũ và mới. Vì thế các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để chủ trương xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng lan tỏa sâu rộng; chú trọng công tác biểu dương gia đình văn hoá, bởi gia đình thực sự trở thành tổ ấm hạnh phúc của mỗi người sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong tình hình mới.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, cần đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho Nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức và kỹ năng ứng xử văn minh. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu, kế thừa có chọn lọc và vận dụng những truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình của người Việt Nam xưa, như ông cha ta trước đây từng nói “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, xác định vai trò quan trọng của gia đình, vun đắp giá trị gia đình, trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã luôn quan tâm triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc trong gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người dân trên địa bàn quận luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ, bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình trên địa bàn quận góp phần vào việc xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh tham luận

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn tham luận

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm tham luận

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh tham luận

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm thông tin, Đảng bộ và chính quyền quận Ba Đình luôn quan tâm tới việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025 được xác định gồm các nội dung, như bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh nêu ý kiến, phải coi công tác xây dựng, duy trì, phát huy các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhân thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình và việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó nâng cao ý thức tự giác thực hiện; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến làm tốt công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố Hà Nội…

TS. Nguyễn Viết Chức kết luận 

Kết luận Hội nghị tọa đàm, TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định, Hội nghị được triển khai nhằm tổng hợp, tiếp thu những đề xuất, góp ý xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh nên khi đưa ra các tiêu chí, chuẩn mực cần cụ thể hơn để việc triển khai gắn với thực tiễn hơn, phong phú hơn. Hơn 40 tham luận cùng ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu không chỉ giải mã những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mà còn cung cấp những thông tin thiết thực, phong phú, sinh động từ cơ sở, góp ý trực tiếp vào Dự thảo Chỉ thị của Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *