Nhằm tuyên truyền về thực trạng cũng như những giải pháp thực hiện và nâng cao văn hóa công sở của cán bộ, công chức, ngày 27/11/2019, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Văn hóa công sở: Thực trạng và giải pháp”.
Tham gia Giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của bạn đọc có các vị khách mời: Ông Triệu Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương).
Dự và chủ trì giao lưu có TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà Văn Đỗ Thu Hiên, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng tham dự Giao lưu trực tuyến còn có đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ, UBND Thành phố Hà Nội cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu đến từ các Bộ, ngành…
Xây dựng một nền văn hoá công vụ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới mục tiêu: Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển. Xây dựng một nền hành chính dân chủ, pháp quyền, đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ là yêu cầu đặt ra đối với nền công vụ Việt Nam hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi cần có một đội ngũ những người thực thi công vụ có năng lực và phẩm chất tốt đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên cần không ngừng nỗ lực phấn đấu, phải là tấm gương sáng. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để xây dựng văn hoá công sở. Thực tiễn cho thấy, hiện nay đang có một bộ phận cán bộ, đảng viên có hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc. Văn hoá công sở nước ta trước sự tác động nhiều mặt về kinh tế, chính trị, văn hoá, môi trường đã có những xáo trộn, đặc biệt là lĩnh vực giá trị xã hội, giá trị văn hoá công sở và lối sống của công chức.
Văn hóa công sở được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, gồm hệ thống các giá trị tinh thần và vật chất (gồm văn hóa giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ làm việc, trang phục, lễ phục, xây dựng môi trường công sở…). Văn hóa công sở có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống, gắn liền với hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan/đơn vị, góp phần hình thành và xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức…
Thực hiện quyết định 129/2007/QĐ-TTg về văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước và quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về đề án văn hóa công vụ đã cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ công chức, viên chức về văn hóa công sở, bước đầu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một bộ phận cán bộ công chức có nhận thức chưa đúng về văn hóa công sở, có những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh “công bộc” của dân.
Trả lời bạn đọc về 02 bộ quy tắc ứng xử được TP Hà Nội ban hành năm 2017, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nêu rõ: Theo Điều 7 và Điều 8 Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 552 ngày 25/01/2017 của UBND thành phố Hà Nội thì trong ứng xử với người dân tại nơi làm việc, CBCCVC, NLĐ phải: Giải quyết yêu cầu, công việc của người dân đúng quy định, quy trình; Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; Ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đau ốm; Không sách nhiễu; Gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; Không hẹn gặp giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc; Không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; Nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót.
Còn tại khu dân cư, CBCCVC, NLĐ phải: Vận động gia đình, người thân, những người xung quanh tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thực hiện pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội; đồng thời, gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí, mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia…
Cùng với đó, tại nơi công cộng, CBCCVC, NLĐ phải: Gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; Không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; Không tham gia, xúi giục; kích động hoặc bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người khác.
Như vậy, những quy tắc ứng xử với CBCCVC, NLĐ mà TP Hà Nội ban hành là hết sức toàn diện, không chỉ tại nơi làm việc mà còn tại nơi sinh sống, nơi công cộng.
Bên cạnh đó, tại buổi giao lưu, các đại biểu cũng đã tập trung làm rõ những vấn đề mà độc giả quan tâm như: Nội dung các Quyết định của Thủ tướng chính phủ về Văn hóa công sở; Thực trạng của văn hóa công sở hiện nay; Những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa công sở; Giải pháp khắc phục những bất cập và nâng cao văn hóa công sở ở mỗi một cơ quan, đơn vị…
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đông Hưng
Theo MaskOnline