(HNM) – Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh – một nội dung quan trọng trong Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu đó, UBND thành phố đã đề ra nhiều […]
Hướng dẫn trẻ em giữ gìn nếp sống thanh lịch, văn minh nơi công cộng góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh – sạch – đẹp. Ảnh: Anh Tuấn |
Ngày 10-3-2017, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 1665/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng trên địa bàn thành phối. Về kết quả triển khai thực hiện QTƯX trong năm 2017, theo Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, “Quy tắc ứng xử nơi công cộng bước đầu điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức ở nơi công cộng, hình thành chuẩn mực đạo đức phù hợp với giá trị văn hóa chung, góp phần vào việc gìn giữ nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại”.
Có thể thấy, đây là kết quả bước đầu, chưa phải nếp sống văn minh nơi công cộng mang tính bền vững mà chúng ta hướng tới. Trên thực tế, vẫn còn nhiều biểu hiện ứng xử không đẹp ở nơi công cộng, mà không nói đâu xa, có thể tìm thấy dẫn chứng ở mùa lễ hội năm nay. Như Lễ hội hoa hồng Bulgaria và bạn bè năm 2018, mặc dù không gây dư luận bức xúc như năm 2017 và được ghi nhận làm hài lòng số đông du khách về chất lượng hoa, chủ đề trưng bày cũng như các dịch vụ đi kèm, nhưng vẫn còn những “hạt sạn” liên quan tới lối ứng xử chưa đẹp của không ít người tham gia.
Trong các không gian trưng bày, dù đã có bảng thông báo “không hái hoa, bẻ cành”, “không đi vào thảm cỏ” được treo ở nhiều nơi, nhân viên bảo vệ thường trực nhắc nhở, nhưng nhiều người vẫn vô tư vi phạm. Hậu quả là nhiều cành hồng bị dập, gãy, phải thay thế, nhiều đoạn trong hàng cây được sử dụng như hàng rào ước lệ bị đổ rạp và hiện tượng “người đi, rác ở lại” có thể gặp ở bất cứ đâu.
Những vấn đề tương tự còn có thể bắt gặp ở nhiều nơi khác. Tại không ít điểm di tích vẫn xuất hiện hành vi, lời nói phản cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xây dựng văn hóa lễ hội, văn hóa ứng xử tại nơi công cộng của chính quyền và nhân dân thành phố. Chẳng hạn, ở cụm di tích đình, đền Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông), đội ngũ phục vụ luôn túc trực, thường xuyên rút – hóa chân hương, gom tiền công đức… nhưng vẫn thu dọn không xuể. Tại khu vực đền Cổ Loa (Đông Anh), trong ngày diễn ra lễ hội năm nay đã xuất hiện màn trình diễn hầu đồng gây phản cảm. Tại khu vực chùa Hương (Mỹ Đức), đền Bia Bà (Hà Đông) vẫn xuất hiện dịch vụ cúng thuê, cầu con…
Văn hóa ứng xử nơi công cộng đang là vấn đề gây bức xúc, chưa có sự chuyển biến mang tính căn bản khi hiện tượng “bún mắng, cháo chửi”, xả rác bừa bãi, sử dụng loa đài công suất lớn ở nơi công cộng… chưa được khắc phục triệt để. Mới bị “tố” mắng chửi khách hàng lớn tuổi chưa lâu, đầu năm nay, chủ một quán ăn tại phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm) tiếp tục bị cộng đồng mạng chỉ trích vì thái độ bán hàng gây bức xúc. Hay như ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, sau mỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật thu hút đông người tham dự lại là cảnh tượng hoa lá tả tơi, rác thải vương vãi khắp nơi…
Căn chỉnh văn hóa ứng xử
Hội viên phụ nữ, cựu chiến binh quận Bắc Từ Liêm tham gia tổng vệ sinh, giữ gìn nơi công cộng xanh – sạch – đẹp. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động, sau một năm triển khai, QTƯX nơi công cộng bước đầu đã đi vào cuộc sống, khái niệm QTƯX trở nên quen thuộc, là “kim chỉ nam” để cộng đồng uốn nắn tác phong, lời nói, hành vi.
Cũng theo ông Tô Văn Động, kết quả nói trên chưa được như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân. Hà Nội là nơi hội tụ của người dân từ nhiều tỉnh, thành phố, vùng miền trong cả nước nên trình độ văn hóa và nhận thức không đồng đều, việc tuyên truyền, phổ biến, xây dựng chuẩn mực văn hóa gặp khó khăn. QTƯX quy định chuẩn mực ứng xử chung, hiệu quả áp dụng thực tế phụ thuộc vào nhận thức, thói quen của từng cá nhân, để thay đổi nếp sống, nếp ứng xử thì cần phải kiên trì, cần ý thức trách nhiệm vào cuộc của cả cộng đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hệ thống QTƯX nơi công cộng được tổ chức khá bài bản, dễ phổ cập trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm định hình, lan tỏa phong cách ứng xử văn hóa. Ví dụ, nhà trường xây dựng chương trình ngoại khóa giáo dục học sinh thông qua những hình ảnh, tình huống, câu chuyện cụ thể. Các nhà văn hóa tổ chức khóa dạy văn hóa ứng xử cho cư dân địa phương. Các nhà hát, thư viện, trung tâm mua sắm… xây dựng nội quy phù hợp…
Cùng với đó, cần hình thành cơ chế kiểm tra, đôn đốc thực hiện QTƯX tại các địa phương, xử lý hành vi vi phạm bằng nhiều cách, chẳng hạn như làm rõ ý kiến phản hồi của khách hàng để xử lý những cơ sở kinh doanh có lời nói, thái độ phục vụ không đúng mực đối với khách hàng (phạt tiền hoặc ra quyết định tạm dừng kinh doanh…
“Làm được như vậy, tôi tin việc triển khai thực hiện QTƯX nơi công cộng sẽ tạo được hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới. Những hành vi, lối ứng xử chưa phù hợp sẽ sớm được đẩy lùi”, bà Nguyễn Thị Hương khẳng định.