Với số lượng lớn hội viên tham gia hoạt động kinh doanh, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp TP Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên việc ứng xử văn hóa, văn minh thương mại, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Thủ […]
Chợ Nành, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) là nơi chuyên kinh doanh vải và quần áo may sẵn. Chợ luôn đông đúc và không khí mua bán hàng hóa diễn ra rất sôi động. Tuy vậy, ở đây rất ít khi nghe thấy tiếng gắt gỏng, quát mắng khách hàng. Chị Nguyễn Ngọc Minh, chủ một cửa hàng thiết kế thời trang ở phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) đang mua vải kể: “Trước đây, tôi ít đến chợ này vì chủ hàng rao giá quá cao, nếu mình không mua thì bị gây khó dễ. Nhưng đến nay, tình trạng chủ hàng nói thách, đo vải thiếu hầu như không còn”.
“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” là tiêu chí văn minh thương mại của chị em tiểu thương các chợ trên địa bàn TP Hà Nội. |
Còn tại quận Hà Đông, Hội Liên hiệp phụ nữ quận và các phường đã tích cực tuyên truyền cho các nữ tiểu thương về tác hại của thực phẩm có chất bảo quản, không rõ nguồn gốc xuất xứ để chị em không kinh doanh. Hội còn phát động phong trào “Phụ nữ Hà Đông ứng xử đẹp”, trong đó vận động chị em khối chợ giao tiếp đúng mực, từ tốn, lịch sự; nói lời cảm ơn, xin lỗi khi cần thiết; không nói tục, gay gắt, to tiếng nơi công cộng… Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ chợ Hà Đông Nguyễn Thị Thùy cho hay: Chợ Hà Đông đã thực hiện tiêu chí “3 công khai” (công khai giá, công khai nguồn gốc, công khai chất lượng) và “2 chuẩn mực” (chuẩn mực giao tiếp, chuẩn mực cân đong). Ngoài ra, với nhận thức việc ứng xử văn minh đóng vai trò quyết định trong kinh doanh, nên “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” đã trở thành phương châm bán hàng của các tiểu thương chợ Hà Đông. Nhiều gian hàng của chị em đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, như: Quầy hàng rau xanh Thiên Lý, quầy hoa quả của chị Lý Thị Chính, quầy thực phẩm tươi sống của chị Nguyễn Thị Lan…
Tuy vậy, theo phản ánh của một số hội viên, nhiều khách hàng khó tính, trong quá trình mua bán có cách nói khó nghe nên khó tránh khỏi việc to tiếng… Để giải quyết bất cập này, chị Vũ Thị Thanh Bình, Chi hội phụ nữ số 11, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) cho rằng, cán bộ hội phải tích cực tuyên truyền hơn nữa để không chỉ người kinh doanh mà cả người mua cũng phải có cách ứng xử văn minh, biết kiềm chế, thông cảm, nhường nhịn, không nói những lời làm phiền lòng nhau. Như vậy, mới tạo được nét đẹp văn hóa bán hàng mọi nơi, mọi lúc.
Để xây dựng hình ảnh đẹp của các nữ tiểu thương trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam: “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”. Đặc biệt, các chi hội phụ nữ khối chợ tăng cường vận động chị em xây dựng nếp giao tiếp ứng xử văn minh trong kinh doanh thương mại, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, nhằm tạo chuyển biến tích cực, xây dựng nét đẹp thanh lịch, văn minh thương mại của phụ nữ Thủ đô.