Dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội” đã chỉ rõ những mặt tích cực, cũng như hạn chế của chất lượng xây dựng mô hình văn hóa cơ sở tại các địa phương. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc […]
Dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội” đã chỉ rõ những mặt tích cực, cũng như hạn chế của chất lượng xây dựng mô hình văn hóa cơ sở tại các địa phương. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, muốn xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ việc xây dựng các mô hình văn hóa.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
PV: Thưa ông Nguyễn Khắc Lợi, với vai trò là cơ quan thường trực xây dựng dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở trên địa bàn Thành phố”, xin ông cho biết sự cần thiết của việc xây dựng đề án?
Ông Nguyễn Khắc Lợi: Trong thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở và quần chúng nhân dân quan tâm xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đem lại, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cụ thể là việc xây dựng các mô hình văn hóa vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Việc nâng cao, hoàn thiện các mô hình văn hóa cơ sở là tiền đề quan trọng để xây dựng văn hóa từ trong gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan doanh nghiệp…
Với những kết quả đạt được từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua nhiều năm, trong đó trọng tâm là việc xây dựng các mô hình văn hóa, rất cần tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa trên cơ sở đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra, đồng thời đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả các mô hình văn hóa
PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá khái quát về thực trạng việc xây dựng các mô hình văn hóa hiện nay?
Ông Nguyễn Khắc Lợi: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được Thành phố triển khai đến nay đã 15 năm. Thực tế cho thấy đây là một nội dung quan trọng, đem lại hiệu quả rõ rệt trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm qua. Phong trào đã đi vào cuộc sống từ trong mỗi gia đình, trong cộng đồng dân cư và trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… Nhiều mô hình văn hóa được quan tâm xây dựng, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và từng bước ngăn ngừa các tệ nạn xã hội. Nếp sống văn minh được củng cố và từng bước hoàn thiện. Việc thực hiện các quy định về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đã góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân Thủ đô, từng bước nâng tầm văn hóa Hà Nội lên một vị thế mới, xứng đáng là Thủ đô của một dân tộc có truyền thống ngàn năm văn hiến.
Tuy nhiên, chất lượng phong trào vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chưa thực sự đảm bảo, còn làm theo thói quen, chạy theo số lượng, cộng dồn thành tích. Một số lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, ngành, đoàn thể nhận thức còn đơn giản, chưa thấy hết vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm với Phong trào, một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chú ý tới việc thực hiện các nội dung của Phong trào. Trong công tác tuyên truyền, vận động, mặc dù, đã có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả chưa cao. Thời lượng tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại còn ít, nội dung chưa phong phú, hấp dẫn. Việc triển khai thực hiện các chuẩn mực văn hóa, các chỉ tiêu mang tính pháp lệnh cho từng nội dung, đối tượng cụ thể chưa được quan tâm đầy đủ. Nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động văn hóa xã hội chưa đáp ứng với yêu cầu.
PV: Để nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, theo ông, Hà Nội cần triển khai các giải pháp cụ thể nào?
Ông Nguyễn Khắc Lợi: Nhận thức được vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng 4 mô hình: Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn Thành phố, Dự thảo Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình phát triển của xã hội nhằm nâng cao chất lượng việc đăng ký, giám sát, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa trong thời gian tới như: Cần có sự chỉ đạo thống nhất, sát sao, quan tâm, động viên thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ các cấp và Lãnh đạo các ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện phong trào. Tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân và động viên được sự tham gia của đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai Phong trào. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; Xây dựng, ban hành Quy chế quản lý, tổ chức các hoạt động của Nhà văn hóa – Thể thao thôn, tổ dân phố và tương đương trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm và bồi dưỡng kiến thức xử lý công việc cho đội ngũ cán bộ đảm nhiệm về Phong trào có khả năng tham mưu, đề xuất những giải pháp làm chuyển biến về chất của của Phong trào. Đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các nguồn lực cho hoạt động văn hóa. Thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, luôn xác định đúng vai trò của chính quyền các cấp trong việc đầu tư đúng mức từ nguồn ngân sách giành cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Động viên, khích lệ người dân cùng chung sức, từng bước cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường
Đổi mới phương thức và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để các nội dung Phong trào thấm sâu vào đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Nhanh chóng tiếp cận những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để truyền tải nội dung tuyên truyền có hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa để các danh hiệu này phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn nữa. Tiếp tục nhân rộng mô hình Làng văn hóa đáp ứng nhu cầu xây dựng Nông thôn mới theo chủ trương của Trung ương và Thành phố. Tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác xây dựng Tổ dân phố văn hóa, Đơn vị văn hóa theo định kỳ. Tiến hành bình xét một cách chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn, Quy chế đề ra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Uyên (Th/hiện)