Di sản – Bảo tồn

Xóa bỏ linh vật ngoại lai và hành trình hồi sinh linh vật Việt

Theo thống kê chưa đầy đủ, trước năm 2014, có hơn 6.000 di tích lịch sử văn hóa bị trấn giữ bởi sư tử đá và các linh vật ngoại lai.

Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng này đã không còn xảy ra. Sau chiến dịch loại bỏ các linh vật, sản phẩm không phù hợp ra khỏi di tích, các giá trị văn hóa tâm linh thuần Việt dần được khôi phục.
Những chuyển biến tích cực trong việc loại bỏ linh vật ngoại lai
Làn sóng toàn cầu hóa đã tác động tới đời sống xã hội; sự tiếp thu mạnh mẽ văn hóa của nước ngoài, trào lưu xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh, khu vui chơi giải trí sao chép biểu tượng, kiến trúc của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…nở rộ. Đáng lo ngại là sự phá vỡ cảnh quan, hủy hoại các di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, thay vào đó là các công trình, các sản phẩm biểu tượng xa lạ với văn hóa người Việt, tạo nên hình ảnh văn hóa Việt Nam méo mó, sai lệch. Bản sắc văn hóa Việt Nam có nguy cơ bị mờ nhạt, bị hòa tan vào dòng chảy hội nhập.
Thời điểm đó, Công văn số 2662/BVHTTDL – MTNATL ngày 8/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được ban hành khởi đầu cho cuộc “cách mạng” loại bỏ các sản phẩm ngoại lai, không phù hợp giá trị văn hóa Việt Nam. Công văn số 2662 đã nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận quần chúng nhân dân, đặc biệt với giới truyền thông. Nhiều nhà nghiên cứu đã có những bài viết, những trao đổi trên báo chí phân tích rõ sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, loại bỏ yếu tố lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Sự bày đặt các biểu tượng, linh vật mới, ngoại lai trong di tích lịch sử đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, mất bản sắc trong các di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng của người Việt.

Hình ảnh những cặp sư tử đá ngoại lai án ngữ trước cửa đã dần được loại bỏ

Trong năm 2014, đã có một số tỉnh/thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An… mở lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, bảo về di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh với các nội dung: kiểm kê di tích, nhận diện các hiện vật không phù hợp tại di tích, với mục tiêu nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và trông coi di tích ở địa phương.
Ngay từ khi nhận được Công văn chỉ đạo của Bộ, Sở VHTT&DL các địa phương đã kịp thời rà soát, thống kê, chấn chỉnh công tác quản lý, bày đặt trong các di tích, thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và các quy định của Bộ VHTTDL.
Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc là những địa phương nóng về việc bày đặt biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp trong di tích, những sau 3 năm thực hiện công văn số 2662 tại những địa phương này việc di dời đã cơ bản được làm tốt, không còn việc cung tiến, công đức các biểu tượng, sản phẩm, linh vật vào di tích tràn lan. Nhiều nơi việc bày đặt ở công sở, nhà dân… mọi người đã tự di dời hoặc gỡ bỏ, việc bày đặt mới hầu như không có.
Sau khi công văn số 2662 được ban hành, nhiều tượng linh vật mang hình mẫu của nước ngoài, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã không còn được sản xuất và mua bán, cũng từ đây, người dân đã đòi hỏi muốn tìm hiểu về các sản phẩm linh vật của Việt Nam. Các triển lãm về linh vật Việt đã được tổ chức kịp thời như: Triển lãm Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắc Lắk, Thái Nguyên; Triển lãm chuyên đề Linh vật Việt Nam trưng bày gần 100 hiện vật thuộc 27 loại hình linh vật có niên đại từ thời kỳ dựng nước đến thời nhà Nguyễn – thế kỷ XIX-XX; các cuộc thi mẫu linh vật nhận được sự hưởng ứng của nghệ nhân chế tác… Các triển lãm đã được công chúng đón nhận như bài học về sự hình thành và phát triển hình tượng linh vật trong mỹ thuật truyền thống, tạo hiệu quả tuyên truyền về văn hóa truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ. Triển lãm cũng đã giúp công chúng nhận diện linh vật Việt được rõ hơn.
Hồi sinh linh vật Việt
Loại trừ linh vật ngoại lai khỏi di tích chỉ là một phần của chặng đường gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Chặng đường còn lại sẽ là quảng bá, giới thiệu nét đẹp của linh vật truyền thống, làm cho những linh vật ấy sống trong đời sống tinh thần nhân dân.

Tượng nghê do cơ sở Gỗ Giang của KTS Nguyễn Đức Giang phục dựng từ tượng nghê thế kỷ 17

Anh Nguyễn Trí Quang (Hà Nội) đã thực hiện số hóa gần 100 tượng linh vật Việt với hình ảnh không gian 3 chiều, nhìn kỹ được hoa văn trang trí, hình khối các tượng linh vật tiêu biểu lưu giữ tại bảo tàng, di tích.
Kiến trúc sư Nguyễn Giang đã thực hiện đầu tư chiều sâu trong việc chế tác linh vật Việt, đào tạo tay nghề thợ chạm khắc các sản phẩm tượng nghê truyền thống, chạm khắc hoa văn kiến trúc. Còn ở Làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình), các nghệ nhân đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử từ nghệ thuật tạo hình truyền thống. Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng, trong đó có các biểu tượng, linh vật để phục vụ Tết Ðinh Dậu. Nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Ðịnh…, nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử, đồ thờ theo phong cách truyền thống Việt Nam và được khách hàng đón nhận.

Biểu tượng nghê trong dòng tranh Kim Hoàng

Sau 3 năm thực hiện, đại bộ phận các tầng lớp xã hội đã nhận thức rõ về vấn đề sử dụng biểu tượng, linh vật, đặc biệt sử dụng phục vụ tâm linh. Các làng nghề mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm truyền thống. Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích đã không còn, đặc biệt, chấm dứt cung tiến mới tượng sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã được xếp hạng.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn để thực sự loại bỏ được những linh vật ngoại lai đồng thời “hồi sinh” linh vật truyền thống Việt. Các sản phẩm đặt trong các di tích, nơi thờ tự, công sở theo quan niệm mang ý nghĩa tâm linh, vì vậy, việc loại bỏ, di dời hết sức phức tạp; bên cạnh đó còn vướng mắc bởi quan hệ nhân thân, dòng tộc, cả nể, né tránh…
Và một câu hỏi được đặt ra: Các sản phẩm ngoại lai được di dời thì sẽ đi về đâu? Một doanh nghiệp điêu khắc đã lên tiếng thu hồi lại những sản phẩm điêu khắc ngoại lai và mỗi năm sẽ tổ chức một trại sáng tác tái chế. Đó cũng là một giải pháp tháo gỡ cho trăn trở trên thay vì đập bỏ hay di dời tạm.
Loại bỏ hay Hồi sinh: Cần đi từ bản chất
Theo Phó GS.TS Trần Lâm Biền: “Vấn đề đặt ra với những người nghiên cứu, là làm sao để mọi người hiểu được bản chất, ý nghĩa tinh thần của chính các di sản văn hóa. Tinh thần hiểu biết của chúng ta đối với những di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những linh vật đặt ra vấn đề chính là chúng ta có làm gì đi chăng nữa, nghiên cứu cái gì đi nữa thì tinh thần trước hết phải vì dân tộc ta, vì người Việt Nam ta. Chúng ta không chỉ biết mà còn phải hiểu bản chất của từng linh vật, từ sự hiểu đó thì sự ứng xử mới mang tính tự giác chứ không phải là bị áp đặt. Ở đây, chúng ta đang giải quyết vấn đề về những linh vật lạ không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, mà cơ bản là những con sư tử. Chúng ta không có quyền áp đặt đối với nhân dân mà phải nói để người dân hiểu, tin và theo thì ta phải cho mọi người biết được những linh vật đó phù hợp ở đâu, không phù hợp ở đâu trên nền tảng nhận thức của dân tộc mình. Khi so sánh sư tử Tàu và sư tử Việt, ta không chỉ so sánh về mặt hình thức mà cần phải so sánh cái bản chất, tinh thần mà nó chở theo. Và từ bả chất, tinh thần ấy, ta thấy được nó có tác dụng gì! Sư tử Tàu phơi diễn hình thức của nó bởi những bắp thịt, sự hung dữ và mang tính chất đe dọa, đè nén… và nó thường xuất hiện ở cửa các cơ quan công quyền thời xưa. Và khi con người đến đó, họ sẽ cảm thấy thân phận mình nhỏ mọn, dẫn đến ý thức quy phục. Ý nghĩa của các con sư tử Tàu như lính canh cửa, đứng nhìn ra ngoài với tinh thần áp chế, có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp thống trị”. Theo ông, cần phải giải thích một cách cặn kẽ, rõ ràng để người dân hiểu hết được ý nghĩa của các linh vật ngoại lai, từ biết đến hiểu, người dân sẽ tự giác không sử dụng, tiến cúng… những linh vật ngoại lai mà thay vào đó là các linh vật truyền thống Việt Nam.

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về bản chất, ý nghĩa của các di sản văn hóa Việt Nam nói chung và các linh vật Việt nói riêng

TS Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Từ năm 2006 ở Trung Quốc đã có rất nhiều địa phương di dời cặp sư tử đá thời Minh Thanh ra khỏi công sở của họ với một lời nhắn: hãy bỏ cặp sư tử đá này đi để cho hình ảnh của các cơ quan công quyền được thân thiện… Trong thời buổi hội nhập và toàn cầu hóa, các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền… phải giữ được bản sắc doanh nghiệp, bản sắc văn hóa, nhận diện thương hiệu Việt phải mang màu sắc của chính mình… Vậy thì không có lý do gì lại không sử dụng các linh vật truyền thống của Việt Nam thay thế cho các linh vật ngoại lai”.
Để loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, cần thúc đẩy hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản, lịch sử văn hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề nghiên cứu và tham khảo tài liệu vốn cổ, trên cơ sở đó phát huy sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt, hợp với hơi thở của thời đại. Bởi chính sự chuyển hướng từ các làng nghề chế tác, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sẽ góp phần xóa bỏ các linh vật ngoại lai đồng thời quảng bá linh vật Việt, giá trị văn hóa Việt một cách mạnh mẽ nhất.

Thùy Anh

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *