Tuồng đã trở thành vốn quý của sân khấu truyền thống và mãi mãi là viên ngọc trong kho tàng văn hóa của dân tộc
Tối 31/10/2016, các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ công diễn chương trình “Hòa nhạc và các trích đoạn Tuồng cổ mẫu mực” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trích đoạn vở Tuồng “Sơn Hậu” |
Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển độc đáo của Việt Nam, với ngôn ngữ là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa ở cung đình và trong nhân dân. Kho tàng các vở diễn tuồng cổ ước có đến vài trăm nhưng lầu dần bị thất lạc chỉ còn vài vở đặc trưng như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Trưng nữ vương…
Tuồng đã trở thành vốn quý của sân khấu truyền thống và mãi mãi là viên ngọc trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Chương trình “Hòa nhạc và các trích đoạn Tuồng cổ mẫu mực” sẽ bao gồm: hòa tấu một số bài bản Tuồng truyền thống, các trích đoạn: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo trích trong vở “Võ Tam Tư trảm cáo”; Ông già cõng vợ đi xem hội; Đào Tam Xuân Đề Cờ; Ngũ Biến; “Ôn Đình Chém Tá” trích trong vở Tuồng “Sơn Hậu”.
Ngoài các vở Tuồng cổ, hàng chục trích đoạn đặc sắc cũng được chọn lọc, khai thác, phục hồi để giới thiệu tới đông đảo công chúng, Nhà hát đang đầu tư, truyền dạy cho các thế hệ diễn viên trẻ những tác phẩm Tuồng cổ, những trích đoạn mẫu mực, bởi đó chính là cây đại thụ lưu giữ và chuyển tải nguồn nhựa sống dồi dào của nghệ thuật Tuồng đến muôn triệu tâm hồn người Việt Nam và khán giả trên khắp năm châu, bốn biển.
Theo Cinet