Sự kiện

Xét, tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017

Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 cho 10 cá nhân.

Trong đó, Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016, anh Trần Xuân Bách (SN 1984) và “hot girl wushu” Dương Thúy Vi (1993) là 2 trong số 10 cá nhân vừa được đề nghị xét tặng, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017.

PGS.TS Trần Xuân Bách

PGS.TS Trần Xuân Bách (sinh năm 1984), Giảng viên Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội.
Ông hiện là giảng viên cao cấp tại trường Đại học Y Hà Nội, là người được công nhận Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016 và được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ.
Một trong những nghiên cứu tiêu biểu nhất của PGS là các phân tích chi phí – hiệu quả của các chiến lược can thiệp phòng chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2005 – 2015. Các công bố khoa học gần đây của PGS cũng có giá trị ứng dụng cao như các mô hình dự báo nguy cơ mắc 20 bệnh mạn tính trong suốt vòng đời dựa trên các đặc điểm của cá thể, cho phép tiến hành can thiệp dự phòng sớm và là cơ sở phát triển cấu phần trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng y tế điện tử trên điện thoại thông minh, hiện đang triển khai tại Đại học Y Hà Nội….

Vận động viên Dương Thuý Vi – Đội tuyển Wushu Hà Nội, Quốc gia, sinh năm 1993, tại Hà Nội
Đến với wushu từ năm 7 tuổi và gắn bó cho đến nay, vận động viên Dương Thuý Vi từng nhiều lần giành Huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam. Trong sự nghiệp thi đấu, Thuý Vi đã đạt được nhiều thành tích: Huy chương vàng vô địch trẻ Châu Á 2009, 2011; Huy chương vàng vô địch trẻ thế giới 2010; Huy chương vàng SEA Games 2013, 2015, 2017; Huy chương vàng vô địch thế giới 2013; Huy chương vàng Asiad 2014.

“Nữ hoàng wushu” Thúy Vi đã mang về chiếc HCV đầu tiên cho đội tuyển quốc gia Việt nam tại SEA Games 29

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng (sinh năm 1918), thuộc Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hà Nội
Nguyên là cán bộ Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là một trong những thành viên sáng lập đoàn cải lương Tố Như – Hà Nội. Năm 1985, ông nghỉ hưu, tiếp tục công việc sáng tác ảnh và tham gia các hoạt động của Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nhiếp ảnh Hà Nội. Ông tham gia biên soạn nhiều tập sách ảnh giới thiệu về Việt Nam đất nước con người do UNESCO ấn hành như: “Huế giữa chúng ta”, “Nghề gốm mỹ nghệ Việt Nam” in tại Pháp năm 1983, “Việt Nam – đất nước của Bác Hồ” in tại Liên Xô năm 1985.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (sinh năm 1958), nghiên cứu viên cao cấp; giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải
Bà hiện là Ủy viên BCH Trung ương Hội Khoa học Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ kim loại Việt Nam, Ủy viên BCH Hội hóa học Việt Nam, Hội ATGT Việt Nam, Hội Cầu đường Việt Nam, Ủy viên Hội nữ trí thức Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Hội hóa học Hà Nội, Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội. Cá nhân bà đã có nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học về vật liệu sơn, đóng góp cho Thủ đô và đất nước.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm (sinh năm 1956), Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội
Là chủ tịch hội xã hội nghề nghiệp, cá nhân ông luôn tìm tòi, sáng tạo đưa Hội ngày càng phát triển. Được Trung ương Hội, Hội đông y các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá cao, nhiều tỉnh bạn đã đến tham quan học tập mô hình tổ chức, hoạt động của Hội Đông y thành phố Hà Nội.
Cá nhân ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013, Thầy thuốc nhân dân năm 2017; Bằng khen Chính phủ năm 2010; Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2016; Chiến sỹ thi đua cấp thành phố cùng nhiều Bằng khen, Huy chương, Kỷ niệm chương của Bộ Y tế, UBND TP, TW Hội Đông y Việt Nam, Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam…

Ông Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm 1960), Trưởng phòng Thanh tra 6, Thanh tra thành phố Hà Nội
Sau khi xuất ngũ, ông chuyển ngành về Thanh tra thành phố công tác. Hiện ông là Trưởng phòng Thanh tra 6, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thanh tra thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, cá nhân ông đã xây dựng đề tài “Quy trình đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở xã, phường, thị trấn” đã được in thành sách để phát hành toàn quốc, giúp cho quá trình giải quyết các vụ phức tạp, kéo dài ở các địa phương, giảm bớt áp lực bức xúc của người dân, tránh và hạn chế thấp nhất việc khiếu kiện vượt cấp của công dân, được Hội đồng khoa học đánh giá cao và phổ biến rộng rãi; đề tài khoa học chuyên đề giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, được công nhận sáng kiến cấp thành phố.

Ông Đặng Cát (sinh năm 1938), phường Nhật Tân, quận Tây Hồ
Ông là thương binh chống Pháp hạng 4/4, được cử đi học và trở thành bác sỹ Quân y thuộc Bộ đội Biên phòng. Năm 1969, ông trở thành Chủ nhiệm Quân y của Học viên Biên phòng. Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, không lựa chọn cuộc sống an nhàn bên gia đình, ông bắt đầu khám bệnh miễn phí cho mọi người. Bệnh nhân của ông lúc đầu là bà con lối xóm, càng về sau, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân khắp trong Nam, ngoài Bắc, cả ở nước ngoài cũng tìm đến ông để được nghe ông tư vấn chữa bệnh…

Nghệ nhân Lê Bá Chung (sinh năm 1960), xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đứng trước khó khăn, nguy cơ mai một của làng nghề, ông đã tìm tòi, học hỏi. Qua 34 năm theo nghề, ông là người khôi phụ nghề sơn son thiếp vàng sau hơn 50 năm bị mai một và là người đi đầu trong phát triển làng nghề từ gia đình thành HTX, với 70 thành viên được chia làm nhiều tổ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động.

Anh Tạ Đình Huy (sinh năm 1983), thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội
Được biệt danh là “Nhà sáng chế của nông dân”, từ những suy nghĩ giúp bà con nông dân đỡ vất vả, mặc dù không được đào tạo bài bản, năm 2005, anh bắt tay vào mày mò sáng chế ra những chiếc máy đơn giản như máy bơm nước, máy phun thuốc, máy tời kéo còn thô sơ nhưng khi đem ra sử dụng máy hoạt động rất hiệu quả. Năm 2013, sau những nỗ lực tâm huyết, anh hoàn chỉnh được chiếc máy nông nghiệp đa năng 8 trong 1: cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ…, tham gia chương trình nhà sáng chế và đạt giải nhất. Sáng chế của anh được đánh giá ưu việt về kỹ thuật và kinh tế, có năng suất lao động cao.
Thượng tá Đào Anh Tuấn (sinh năm 1967), Phó Trưởng phòng PC52, Công an thành phố Hà Nội
Là thương binh 24%, không quản ngại khó khăn, gian khổ, với tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, trong bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào, Thượng tá Đào Anh Tuấn luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 1992 đến tháng 1-2011 khi công tác tại Phòng hình sự Công an TP (PC45), từ tháng 2-2011 đến nay là Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP, cá nhân ông đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đội truy bắt nhiều đối tượng truy nã, điều tra khám phá nhiều vụ án đạt kết quả cao, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phải dũng cảm đấu tranh phá án. Điển hình như vụ triệt phá ổ nhóm tội phạm Dương Văn Khánh (tức Khánh Trắng) cầm đầu tại khu vực chợ Đồng Xuân; vụ băng nhóm Tuấn “con” liên tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh… Ông đã chỉ đạo và bắt giữ được hơn 200 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, truy nã quốc tế và truy nã trốn lâu năm. Điển hình, năm 2016, ông bắt giữ đối tượng người Trung Quốc cầm đầu đường dây vận chuyển, mua bán 400kg cocain; trực tiếp chỉ đạo và tham gia khám phá chuyên án, bắt giữ đối tượng Nguyễn Vĩnh Long (Long ma) ngày 11-11-2016 tại cửa khẩu Cốc Nam, đồn biên phòng Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn…

TH

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *