Tin ngành

100 nhà thư pháp tham gia Hội chữ Xuân Bính Thân 2016

Sáng 2/2/2016, Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 và Triển lãm Thư pháp “Uống nước nhớ nguồn” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đã khai mạc tại khuôn viên hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

1Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm thư pháp “Uống nước nhớ nguồn”.

Đây là lần thứ 2 Hội chữ Xuân được tổ chức với nhiều đổi mới từ nội dung hoạt động cũng như công tác đảm bảo an ninh, trật tự… được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 thu hút gần 100 nhà thư pháp tại Hà Nội và các tỉnh, thành khác tham gia, đặc biệt có tới 30 nhà thư pháp trẻ, với hai nội dung cụ thể: Triển lãm thư pháp “Uống nước nhớ nguồn” và Hội cho chữ đầu Xuân. Triển lãm thư pháp trưng bày gần 100 bức thư pháp chữ Hán-Nôm và chữ Quốc ngữ có nội dung cổ vũ tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

6Người dân tham quan Triển lãm.

Điểm mới của Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 lần này đó là hoạt động tương tác, du khách có thể thực hành viết chữ thư pháp một cách dễ dàng theo các chữ đã Ban Tổ chức chuẩn bị sẵn. Sau khi kết thúc Hội chữ Xuân, Ban tổ chức sẽ trao giải tác phẩm thư pháp đẹp nhất. Ban tổ chức cũng dựng gần 100 gian lều bạt cho các ông đồ tham gia hoạt động viết thư pháp. Hội chữ Xuân năm nay có sự tham dự của các Đại lão Thư pháp như Cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu, Trần Quốc Chí…

7Hội cho Chữ năm nay có sự góp mặt của nhiều Đại lão thư pháp.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, tại Hội chữ Xuân lần này, Ban tổ chức tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những gì tồn tại của năm trước. Năm nay, Hội chữ Xuân tập trung vào việc quản lý chặt chẽ trình độ viết thư pháp của các ông đồ, để đảm bảo chất lượng chữ viết thư pháp trong hoạt động viết chữ, cho chữ của các ông đồ.

2Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội phát biểu khai mạc Triển lãm.

Ban tổ chức gồm trưởng ban liên lạc các câu lạc bộ thư pháp, các thư pháp gia có tên tuổi, các nhà nghiên cứu Hán-Nôm, thư pháp Quốc ngữ đã thẩm định trình độ người tham gia viết thư pháp. Ngoài những ông đồ đã đạt tại cuộc thẩm định năm 2015, Ban tổ chức tiếp tục thẩm định các ông đồ đăng ký năm 2016. Chủ đề khảo hạch được Ban tổ chức công khai trước, người dự khảo tuyển được sử dụng từ điển, yêu cầu viết đẹp, viết đúng, bố cục bức thư pháp tốt…

3Thư pháp gia Nguyễn Như Phách cho chữ “Lộc”, hi vọng một năm mới phát tài đến với người xin.

Thư pháp gia Nguyễn Như Phách, năm nay ngoại bát tuần, cũng cảm thấy phấn khởi khi tham gia Hôi chữ Xuân Bính Thân 2016 khi ngay từ ngày Khai mạc với không khí nhộn nhịp “xin – cho” chữ khi xuân đã đến rất gần. “Năm nay, Hội chữ Xuân đã đi vào quy củ hơn rất nhiều, Hội chữ Xuân đã mang lại nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho những thầy đồ cả già, cả trẻ. Đặc biệt, với số lượng thư pháp gia trẻ tham gia Hội chữ năm nay khá lớn (30/100 thư pháp gia) là một điểm đáng mừng, tre già măng mọc, các cháu học rất nhanh với nét chữ rất tươi, rất đẹp. Chúng tôi mong rằng cứ mỗi năm lại đào tạo thêm nhiều những bạn trẻ yêu thư pháp, giữ được cái truyền thống của cha ông, một nét văn hóa lâu đời của dân tộc”.

4Thư pháp gia trẻ Nguyễn Hoài Thu (31 tuổi).

Để tăng cường phục vụ du khách đến với Hội chữ xuân Bính Thân, hoạt động viết chữ sẽ diễn ra từ ngày 24 tháng Chạp đến hết ngày 08 tháng Giêng năm Bính Thân (02/02/2016-15/02/2016), hàng ngày từ 8h30 đến 20h00. Riêng đêm Giao thừa sẽ tổ chức viết đến 2h00 sáng ngày mùng 1 Tết; ngày mùng 1, mùng 2 tổ chức viết đến 22h00. Đối với Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thay vì chỉ mở cửa đến 17h00 như thường lệ, thời gian này cũng sẽ mở cửa từ 8h00 đến 20h00 hàng ngày để phục vụ nhân dân và du khách du xuân.

Hồng Diên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *