Tại phòng vé Nhật Bản, thương hiệu hoạt hình “Doraemon” đã đạt doanh thu hơn 180 tỷ Yên (khoảng 1,8 tỷ USD) và là thương hiệu phim ăn khách nhất tại quốc gia mặt trời mọc.
Bộ phim điện ảnh Doraemon 2019 gần đây đã phá vỡ kỷ lục của thương hiệu tại phòng vé với 50 triệu USD, cho thấy sức sống mãnh liệt của nhân vật Mèo Máy trong lòng người hâm mộ.
5 thập kỷ trở thành biểu tượng văn hóa
“Doraemon” bắt nguồn từ bộ truyện tranh cùng tên của nhóm tác giả Fujiko Fujio, lần đầu phát hành tháng 1/1970. Bộ truyện đến nay đã bán được hơn 100 triệu bản toàn cầu, thuộc nhóm tác phẩm ăn khách nhất. Nhờ thành công đó, hãng Toho bắt đầu sản xuất các phiên bản hoạt hình Doraemon. Phim dài đầu tiên ra mắt khán giả năm 1980 với nhan đề Doraemon: Khủng Long Của Nobita. Theo thông lệ, mỗi năm khán giả đều có cơ hội ra rạp để chứng kiến nhân vật Mèo Máy và nhóm bạn trên màn bạc. Tính đến nay, 39 bản phim dài của “Doraemon” đã được phát hành, với doanh thu trung bình khoảng 43 triệu USD mỗi tập.
Thương hiệu phim xoay quanh cậu bé Nobita tốt bụng nhưng có nhiều tật xấu như hậu đậu, học kém và lười biếng. Ở thời tương lai, hậu duệ của Nobita gửi chú mèo máy Doraemon quay ngược thời gian để giúp cậu vượt qua những rắc rối. Từ nội dung cơ bản đó, Fujiko Fujio biến câu chuyện trở thành một biểu tượng văn hóa tại Nhật Bản và toàn thế giới. Mô-típ cơ bản của các câu chuyện là Nobita vướng phải rắc rối và về cầu cứu Doraemon. Chú mèo máy sẽ an ủi và động viên cậu đứng lên vượt qua. Nobita muốn một phương pháp “ngắn hạn” hơn thế, khiến Doraemon buộc phải cho cậu mượn một món bảo bối, lấy từ chiếc túi “không đáy” trước bụng, để giải quyết vấn đề.
Những món bảo bối là điểm mấu chốt tạo nên thành công của thương hiệu Doraemon
Trẻ em luôn hứng thú với những món đồ công nghệ hiện đại hay sở hữu năng lực ma thuật. Sự sáng tạo của Fujiko Fujio biến mỗi tập phim trở thành một hành trình thú vị và mới lạ với khán giả dù mô-típ cơ bản tương đồng. Những món như cánh cửa thần kỳ, chong chóng tre đã in sâu với tâm trí hàng triệu người hâm mộ suốt năm thập kỷ qua. Sự phát triển của khoa học ngoài đời thật khiến những món bảo bối trong tưởng tượng ngày càng trở nên thân thuộc với những thế hệ khán giả mới sau này.
Ở các quốc gia phương Đông, trẻ em thường chịu nhiều áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, xã hội. Chúng luôn bị yêu cầu phải chăm chỉ, học giỏi và ngoan ngoãn. “Doraemon” vẽ lên giấc mơ của những đứa trẻ để thoát khỏi áp lực đó nhờ những món bảo bối. Tuy nhiên, bộ truyện chỉ nêu vấn đề dưới góc nhìn cảm thông, không khuyến khích những thói xấu này. Luôn có những câu chuyện “dở khóc dở cười” phát sinh khi Nobita lạm dụng các món bảo bối, khiến cậu buộc phải tự giải quyết bằng năng lực của bản thân hoặc nhận bài học nhớ đời.
Dàn nhân vật đáng yêu, thân thuộc và đa dạng tính cách cũng là điểm mạnh của Doraemon. Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh những cô cậu học trò như Nobita, Shizuka, Jaian hay Suneo mọi nơi. Dù mang nhiều thông điệp giáo dục sâu sắc, bộ truyện không tạo cảm giác dập khuôn, cưỡng ép với những hình mẫu trẻ em hoàn hảo. Tất cả có những điểm xấu và điểm tốt khác nhau, khiến khán giả có thiện cảm khác nhau về từng người.
Tạo hình Doraemon được nhiều chuyên gia về truyện tranh, hoạt hình tại Nhật Bản đánh giá cao. Theo Tokyo Manga, tên nhân vật là sự kết hợp độc đáo giữa từ dora-neko (chú mèo chuyên ăn vụng), dora-musuko (cậu bé lười nhác, ham chơi) và emon (hậu tố chỉ tên con trai từng được dùng nhiều tại Nhật Bản). Tên gọi này phù hợp với tính cách vụng về của Doraemon. Ngoại hình mũm mĩm, tròn trịa cũng khiến Doraemon được nhiều khán giả yêu quý. Fujiko Fujio mượn tạo hình của Okiagari-koboshi, một loại búp bê truyền thống của Nhật, để làm nguồn cảm hứng cho Doraemon.
Phim hoạt hình điện ảnh thứ 40
Điểm mạnh của Doraemon khi chuyển thể sang điện ảnh so với những thương hiệu manga khác là những tác phẩm truyện dài. Bên cạnh những mẩu chuyện ngắn xoay quanh vài tình huống nhỏ, tác giả Fujiko Fujio cũng cho ra mắt 16 bộ truyện dài có cấu trúc không khác gì phim điện ảnh.
Chúng tạo tiền đề cho phim không mất đi những đặc điểm vốn có của thương hiệu “Doraemon”. Mỗi tập, Nobita cùng nhóm bạn bước vào một cuộc phiêu lưu đến những thế giới mới, đối mặt với thử thách lớn hơn thay vì những rắc rối nhỏ tại trường lớp, gia đình. Điều này khiến loạt phim “Doraemon” luôn được chào đón và duy trì phong độ suốt 40 năm qua.
Fujiko Fujio cũng đặc biệt thành công trong việc tạo ra những thế giới nhiệm màu trong loạt truyện dài. Khán giả theo chân nhóm bạn Nobita xuyên không từ cổ chí kim, từ dưới lòng đất, đáy biển sâu hay trên trời cao, gặp những nhân vật thú vị từ tí hon tới khổng lồ. Tác giả cũng pha trộn nhiều yếu tố từ các nền văn hóa quốc tế khiến phim “Doraemon” luôn dễ dàng tiếp cận hơn với khán giả quốc tế. Đồng thời, chủ đề tư tưởng của tác phẩm điện ảnh cũng rõ ràng hơn so với các mẩu truyện, phim ngắn, vốn đề cao tính giải trí và hài hước hơn.
Năm nay, Phim Doraemon: Nobita và Những người bạn Khủng Long mới ra rạp nhân kỷ niệm 50 năm thương hiệu ra đời. Tác phẩm giống một sự nhìn lại chặng hành trình của loạt phim, lấy chủ đề giống bản phim đầu tiên phát hành năm 1980. Nội dung về việc Nobita vô tình phát hiện một hóa thạch khi đi xem triển lãm khủng long. Cậu tin rằng “vật thể lạ” này chính là một quả trứng khủng long và mượn bảo bối khăn trùm thời gian để kiểm chứng. Ngay sau đó, quả trứng nở thành một cặp khủng long song sinh. Nobita và Doraemon bất ngờ khi đây còn là loài khủng long hoàn toàn mới, chưa từng được phát hiện. Nhóm bạn Nobita lại bắt đầu hành trình trở về quá khứ 65 triệu năm trước và tìm gia đình của hai cô cậu khủng long.
Phim Doraemon: Nobita và Những người bạn Khủng Long mới sẽ khởi chiếu từ ngày 18.12.2020 tại các cụm rạp trên toàn quốc với hai định dạng lồng tiếng và phụ đề. Đặc biệt, phim có suất chiếu đặc biệt dành cho các khán giả từ ngày 11 đến ngày 13.12.2020.
Huỳnh An
Theo MaskOnline