Thế thao thành tích cao

2018 – năm thành công và đột phá của Thể thao Hà Nội

Trong những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trên cả nước trong việc phát triển thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Nhìn lại năm 2018, thể thao Hà Nội vẫn luôn thể hiện rõ vai trò trụ cột của thể thao nước nhà, khi các vận động viên Thủ đô liên tiếp mang về những tấm huy chương danh giá, góp một phần lớn vào thành tích chung của thể thao Việt Nam (TTVN) trên đấu trường thể thao quốc tế.

Thể thao quần chúng chân đế rộng khắp
Với thể thao quần chúng Hà Nội, trong năm 2018 phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được diễn ra rộng khắp trên toàn Thành phố. Chỉ số về phong trào TDTT quần chúng năm 2018 hoàn thành kế hoạch đề ra với 36% số người luyện tập thể thao thường xuyên, 28% số hộ gia đình thể thao, hiện toàn Thành phố có 3.250 Câu lạc bộ TDTT. Trong đó, 100% quận, huyện, hơn 90% xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ TDTT người cao tuổi.

Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi TP. Hà Nội đã chính thức ra mắt cộng đồng.

Có thể nói, trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng Hà Nội luôn có hệ thống thi đấu phong phú, quy mô lớn. Trong đó, có nhiều hoạt động mang tính bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng sống cho người dân. Hệ thống giải đa dạng về số môn dưới sự định hướng của ngành thể thao Hà Nội đã tạo nên không khí rèn luyện và thi đấu thể thao luôn sôi nổi tại Thủ đô. Và chính phong trào này đã góp phần tạo nguồn vận động viên năng khiếu cho thể thao thành tích cao.
Hàng năm, Hà Nội có hàng nghìn giải thi đấu lớn, nhỏ cấp thành phố, quận, huyện… thu hút đông đảo tầng lớp tham dự. Những giải đấu lớn của thành phố đã trở thành thường niên như: Giải chạy Báo Hà Nội mới mở rộng – Vì hòa bình, Giải cầu lông các CLB Hà Nội, Giải bóng rổ học sinh tiểu học Hà Nội,… Cùng với đó là các giải hè cho học sinh, công nhân viên chức lao động như: Giải các môn thể thao hè, giải bóng đá mini CNVCLĐ, giải cầu lông học sinh, sinh viên…
Không chỉ hướng đến đối tượng trẻ, trong năm 2019 Hà Nội cũng đã tổ chức thành công nhiều giải đấu cho người trung, cao tuổi, như giải Cờ tướng, bóng bàn, bóng chuyền hơi, cầu lông,… Đặc biệt, trong năm 2018, Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi TP. Hà Nội đã chính thức ra mắt cộng đồng. Lần đầu tiên Hội có quyết định thành lập, có cơ sở pháp lý để các thành viên yên tâm hoạt động, sáng tạo.
Sau 43 năm thành lập và phát triển Hội, hiện số lượng hội viên đã lên tới 15.000 người, trải khắp 30 quận, huyện, thị xã. Hội đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng của thủ đô và toàn quốc, được tặng thưởng 11 huân chương lao động. Đây thực sự là điểm sáng của thể thao người cao tuổi trong phong trào thể thao quần chúng Hà Nội.

Chuyên môn và công tác tổ chức đều được khẳng định
Với thành công của Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, có thể khẳng định, Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc hai mục tiêu quan trọng đề ra trước Đại hội. Đó là, công tác tổ chức đều được các đoàn đánh giá cao về sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp. Về công tác chuyên môn, đoàn thể thao Thủ đô đã xuất sắc đứng vị trí Nhất toàn đoàn trong tổng số 65 đoàn thể thao tham dự đại hội với số lượng huy chương áp đảo 176 HCV, 149 HCB, 139 HCĐ, hơn đoàn đứng thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương tới 58 HCV.

Thể thao Hà Nội dẫn đầu ở nhiều môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2018.

Cũng ở kỳ Đại hội lần này, trong số 36 môn nằm trong chương trình thi đấu của Đại hội, đoàn thể thao Hà Nội còn giành ngôi vị Nhất toàn đoàn ở rất nhiều môn, như Điền kinh với 9 HCV, 10 HCB, 7 HCĐ; Wushu với 21 HCV, 11 HCB, 3 HCĐ; Bắn cung với 8 HCV, 8 HCB, 9 HCĐ; Golf với 4 HCV, 1 HCB; Khiêu vũ thể thao với 5 HCV, 6 HCB, 5 HCĐ; Nhảy cầu với 7 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ…
Ngoài ra, đây còn là kỳ đại hội tiết kiệm. Việc tận dụng hệ thống cơ sở vật chất chất sẵn có của Thủ đô đã giúp cho ngành thể thao và ngân sách nhà nước tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong việc xây mới các công trình thi đấu.
Cũng trong năm 2018, Thể thao Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị chủ lực của Á vận hội. Tại ASIAD 2018, các VĐV Hà Nội đã đóng góp nhiều huy chương nhất trên tổng số huy chương của TTVN. Thành tích này đã góp phần đưa TTVN đứng thứ 16/45 các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự ASIAD 18.
Tham dự Asian Games 18, Thể thao Hà Nội với 122 cán bộ đoàn, HLV, VĐV, chiếm 23,4% trên tổng số 523 thành viên đoàn TTVN. VĐV của Hà Nội tranh tài 23/32 môn thi của TTVN tại ASIAD 2018 với các môn thi đấu chủ lực như: Điền kinh, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Vật, Pencak Silat, Karate, Taekwondo, Đấu kiếm, Wushu, Boxing, Bóng bàn, Cầu lông, Cầu mây, Cử tạ, Rowing, Kurash, Sambo, Jujitsu, Bowling, Golf, Bóng đá nam, Bóng đá nữ.

VĐV Hà Nội Bùi Thị Thu Thảo đã giúp điền kinh Việt Nam lần đầu tiên có huy chương ở sân chơi ASIAD.

Kết thúc ASIAD 18, các VĐV của Thủ đô đã thi đấu xuất sắc và đóng góp 16 huy chương các loại (1 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ) vào bảng thành tích chung của đoàn TTVN (4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ). Trong số 16 huy chương này, nổi bật nhất là tấm HCV lịch sử của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, đã giúp điền kinh Việt Nam lần đầu tiên có huy chương ở sân chơi ASIAD.
Có thể nói, qua các kỳ thể thao khu vực và châu lục, thể thao Thủ đô đã có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Thể thao nước nhà. Đây cũng là điều mà trong chiến lược phát triển Thể thao đỉnh cao của Hà Nội đến năm 2020 đặt mục tiêu rất rõ, các vận động viên Hà Nội luôn là nòng cốt của các đội tuyển Quốc gia tại các kỳ đại hội Thể thao khu vực, châu lục và thế giới.

Đột phá ở giải đấu thế giới
Năm 2018, sự kiện Hà Nội – Việt Nam trở thành thành viên thứ 22 Giải đua xe Công thức 1 (F1) Thế giới đã được cả thế giới nhắc đến trong gần 1 năm. Từ khi được Thủ tướng đồng ý chủ trương đăng cai giải đua F1 ngày 4/5/2017, Hà Nội chỉ có hơn một năm để hoàn tất các quá trình chuẩn bị, đàm phán, ký hợp đồng và công bố quyền đăng cai ngày 7/11/2018.
Khi làm hồ sơ đăng cai chặng đua F1 – sự kiện thể thao danh giá hàng đầu thế giới này, TP Hà Nội đã phải chạy đua với thời gian khi nhiều thành phố lớn khác của khu vực với đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng cùng điều kiện tài chính đã nộp hồ sơ xin đăng cai sớm hơn Hà Nội rất nhiều.
Để trở thành thành viên thứ 22 Giải đua F1, UBND TP Hà Nội đã phải trải qua hàng trăm cuộc họp, đàm phán, khảo sát hiện trường với BTC Giải đua F1. Công ty Formula One World Championship Limited (công ty nắm quyền thương mại tổ chức F1) cũng nhiều lần cử các đoàn chuyên gia cấp cao sang khảo sát, đánh giá các khả năng đáp ứng của Hà Nội để đăng cai đường đua.
Với sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ của Hà Nội cũng như quyết tâm của những tham gia đàm phán và cuối cùng BTC Giải đua F1 khẳng định, TP.Hà Nội có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để tổ chức Giải đua F1.

Năng lực, trình độ tổ chức của Hà Nội được khẳng định ở những giải mang tầm quốc tế.

Và ngày 7/11/2018, Hà Nội đã chính thức công bố đăng cai Giải F1 và trở thành thành viên thứ 22 của giải đua nổi tiếng bậc nhất thế giới này.
Việc tổ chức sự kiện này, không chỉ đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình vươn ra thế giới mà còn là nỗ lực to lớn của TP Hà Nội cũng như chính phủ Việt Nam trong việc đưa một trong những giải đấu tốc độ nhất hành tinh về với khán giả nước nhà, giúp người dân trải nghiệm giải đua xe danh giá.
Theo sơ đồ thiết kế hướng tuyến đường đua của F1, đường đua F1 Hà Nội – Việt Nam sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua xe F1 vô địch Thế giới; là đường đua thứ 3 đua trên đường phố và là đường đua duy nhất trên thế giới với một nửa là đường giao thông và một nửa được xây mới.
Với độ dài 5.565 km được thiết kế bởi Tập đoàn Tilke của Đức, chặng đua tại Hà Nội không chỉ là thử thách đối với các tay đua mà còn mang đến cho khán giả, người hâm mộ những màn trình diễn hấp dẫn, đầy thú vị cho cả các tay đua lẫn người hâm mộ.
Cùng với đó, trong năm 2018, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội – Việt Nam đã chính thức đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) vào năm 2021. Sự kiện thể thao tổ chức hai năm một lần với sự tham gia của các VĐV xuất sắc nhất đến từ 11 nước trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến thời gian tổ chức SEA Games 31 là khoảng 17 ngày và Para Games 11 là khoảng 11 ngày vào cuối năm 2021, với khoảng 16.000 người tham dự.
Đăng cai tổ chức SEA Games 31 – 2021, Hà Nội sẽ phải có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn về mọi mặt. Với sự kiện này, Thủ đô sẽ đón lượng khách lên đến hàng chục nghìn người, gồm quan chức, trọng tài, phóng viên, khách du lịch quốc tế… Nhưng qua việc tổ chức thành công kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, trước đó là kinh nghiệm từ việc đăng cai thành công các đại hội thể thao quốc tế lớn trong quá khứ như: SEA Games 22 – 2003, Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3-2009, chắc chắn Hà Nội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đăng cai SEA Games 2021.
Có thể khẳng định, việc đăng cai tổ chức hai sự kiện thể thao quốc tế lớn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước; khẳng định năng lực, trình độ và tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội – Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, du lịch quốc tế trong tương lai.

Minh Tuấn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *