(HNMO) – Sáng 29-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP. Việc thực […]
Theo dự thảo Báo cáo của Thành ủy Hà Nội, sau 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội (Chỉ thị 11), nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc thực hiện nếp sông văn minh, nhất là trong việc cưới hỏi đã được tăng lên rõ nét.
Điều này thể hiện ở việc, trước thời điểm ban hành Chỉ thị 11, việc thực hiện tổ chức cưới hỏi cho bản thân, con, em của một số cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa thực sự gương mẫu, vẫn tổ chức cưới linh đình, phô trương, lãng phí (có đám cưới gần 1.000 khách mời, tổ chức ở những nơi chi phí tốn kém không phù hợp thu nhập chung của cộng đồng dân cư) gây bức xúc trong dư luận…
Sau khi ban hành Chỉ thị 11 được các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai với nhiều hình thức phong phú, tạo bước chuyển biến đáng kể, lan tỏa tới đông đảo quần chúng nhân dân khi thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Nhiều địa phương từ chỗ đám cưới 2-3 ngày, nay rút xuống 1 ngày; từ 100 đến 150 mâm cỗ khách mời nay chỉ còn 50 mâm, tiêu biểu như các xã: Đồng Trúc, Hạ Bằng, Chàng Sơn, Phùng Xá, Bình Yên, Tân Xã, Đại Đồng (Thạch Thất); tại huyện Ứng Hòa, trước khi ban hành Chỉ thị 11, toàn huyện có 27 đám cưới tảo hôn nhưng đến nay đã không còn hiện tượng này, thủ tục cưới giản tiện; tại vùng đồng bào dân tộc Mường, Dao của 7 xã miền núi trong huyện Ba Vì đã bỏ thủ tục thách cưới bằng bạc trắng, việc đang ký kết hôn thực hiện đúng quy định…
Đến nay, đa số đám cưới trên địa bàn TP đã thực hiện theo nếp sống văn minh, giảm nhiều đám cưới tổ chức linh đình, phô trương. Cụ thể, quận Hà Đông duy trì mô hình cưới từ 40- 50 mâm cỗ, tổ chức theo mô hình tiệc trà; quận Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, thị xã Sơn Tây, huyện Ứng Hòa… đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức nhiều đám cưới tập thể.
Tại Hội nghị, tham luận của các địa phương, sở, ngành cũng đã nêu bật những kết quả tốt đẹp của việc thực hiện nếp sống văn minh. Theo ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, từ năm 2012 đến nay, toàn huyện có 7.505 đám cưới thì có 4.045 đám cưới tổ chức theo nếp sống văn minh, đạt 53,90%. Ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, bỏ thủ tục rườm rà đã giảm hẳn, tiêu biểu trên địa bàn huyện Đan Phượng, quận Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai, Hoài Đức, Mỹ Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Tây Hồ, Ba Vì, Thạch Thất, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Sóc Sơn… Ngày 17-3-2013, Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức đám cưới tập thể tại quận Hoàng Mai kết hợp cả yếu tố truyền thống và hiện đại. Tại đám cưới này, đại diện lãnh đạo địa phương cùng người thân của cô dâu, chú rể đã đến chung vui trong không khí vui tươi và tiết kiệm.
Lan tỏa hình ảnh đẹp
Rõ ràng, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11, nếp sống văn minh đã được lan tỏa rộng lớn đến từng làng, xóm tại 30 quận, huyện của Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Theo dự thảo Báo cáo của Thành ủy Hà Nội, những hạn chế này thể hiện ở việc: một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò trách nhiệm của mình, một số bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn xem thường, né tránh việc thực hiện Chỉ thị; việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền còn qua loa, hình thức; việc vận động người dân, nhất là ở những vùng nông thôn gặp khó khăn; vẫn còn những hiện tượng biến tướng khách mời trong lễ ăn hỏi; đám cưới tiệc trà, tiệc ngọt vẫn chỉ mang tính thí điểm, chưa phải là thường xuyên…
Dự thảo báo cáo của Thành ủy Hà Nội cũng đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tiếp tục đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào công tác thi đua khen thưởng gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho rằng, để lan tỏa tốt Chỉ thị 11 thì cùng với việc tập trung xây dựng các văn bản chỉ đạo, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Với riêng huyện Đan Phượng, sau Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy, ngày 13-3-2013, huyện Đan Phượng ban hành Chỉ thị số 22 – CT/HU “về tăng cường lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ CNH – HĐH trên địa bàn huyện”, trong đó đề cập đến 5 nội dung chính: việc cưới, viêc tang, mừng thọ, lễ hỏi và ứng xử văn hóa. Ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cũng cho biết, theo kinh nghiệm thực hiện của huyện, để việc thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt trong việc cưới hỏi được thực hiện tốt, thì công tác tuyên truyền, vận động cần phải kiên trì theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cần phải gương mẫu thực hiện trước.
Với vai trò là đơn vị định hướng các địa phương tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đề xuất 4 nhóm giải pháp trong thời gian tới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc nghiêm túc, phê bình kiểm điểm những cán bộ, đảng viên và người dân có biểu hiện trục lợi và lãng phí trong việc tổ chức cưới; biểu dương các nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến thực hiện tốt nếp sống văn minh.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi đã có những thành tựu đáng kể, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của Thủ đô. Thời gian tới, để việc thực hiện này thêm phần hiệu quả, có tính chất đồng bộ đến từng làng, xóm tại 30 quận, huyện còn rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể và sự đồng lòng của người dân.