Ngày 7/9, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình trải nghiệm cùng nghệ thuật hát Ca trù làng Chanh Thôn (thuộc xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) dành cho các bạn trẻ đến từ nhiều trường học, ngành nghề khác nhau của Hà Nội.
Chỉ sau gần một giờ di chuyển, Đoàn Nhân vật trải nghiệm (NVTN) của Chương trình “Về nguồn – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội” đã có mặt tại Chanh Thôn – ngôi làng vốn nổi tiếng với nghệ thuật hát Ca trù từ khoảng đầu thế kỷ 19, một làng ca trù truyền thống nức tiếng kinh thành khi xưa. Kể từ năm 2006, Chanh Thôn đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là một Địa chỉ Văn hóa dân gian.
Với vai trò là những người dẫn chuyện cho hành trình khám phá Địa chỉ văn hóa dân gian Chanh Thôn, Ban chủ nhiệm cùng các thành viên của CLB Ca trù Chanh Thôn đã có mặt tại đình làng từ rất sớm để chuẩn bị. Đặc biệt, nghệ nhân ưu tú, ca nương Nguyễn Thị Khướu dù đã ngoài 90 tuổi song lại là người dẫn chuyện “dai sức” nhất khiến cho các bạn trẻ không khỏi ngạc nhiên và phải ngả mũ thán phục.
Tại Đình làng, chương trình được mở đầu bằng những phần biểu diễn giới thiệu về nghệ thuật Ca trù Chanh Thôn do các thế hệ ca nương của làng, từ nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu – ca nương Nguyễn Thị Hà – ca nương Vũ Thị Ngân và ca nương 17 tuổi Thủy Tiên thực hiện.
Lão nghệ nhân ưu tú, ca nương Nguyễn Thị Khướu đã 92 tuổi nhưng giọng hát của cụ vẫn rất lảnh lót, đặc biệt giữ đúng được phong thái của nghệ thuật hát Ca trù, cái phong thái mà theo Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan là thể hiện được sự đĩnh đạc, tính nghiêm khắc của thơ ca; là một trong những cứu cánh, dấu ấn mạnh mẽ cho sự tồn vong của Nghệ thuật hát Ca trù Việt Nam.
Nghe cụ Khướu và các thành viên trong CLB Ca trù Chanh Thôn biểu diễn, bạn Hoàng Trang – một NVTN của chương trình cũng là một bạn trẻ đang trong quá trình học hát Ca trù chuyên nghiệp bày tỏ, giọng hát của cụ Khướu thực sự khiến bạn rất bất ngờ, tuy cụ tuổi đã cao song giọng hát vẫn rất hào sảng, đầy truyền cảm.
Bà Nguyễn Thị Ngoan – Chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn đã giới thiệu đến người tham gia về Lịch sử hình thành nghệ thuật hát Ca trù Chanh Thôn cũng như tổ chức của CLB. Cụ Nguyễn Thị Khướu đặc biệt nhấn mạnh, hát Ca trù Chanh Thôn cho đến nay vẫn luôn giữ được lề lối cổ (bí quyết hát, nhả chữ theo kiểu cổ) mà các cụ truyền lại, hầu như không có các yếu tố lai tạp.
Nhạc cụ cơ bản trong Ca trù gồm có đàn đáy, cỗ phách và trống chầu. Âm hưởng đặc sắc của Ca trù chỉ sinh ra khi có sự phối hợp của các nhạc cụ mang tính chuyên biệt này. Vì vậy, học cách chơi các nhạc cụ này là một trải nghiệm không thể thiếu trong chương trình.
Các nội dung trải nghiệm sau đó được tổ chức tại nhà thờ tổ họ Nguyễn làng Chanh Thôn.Trong nhà thờ còn lưu giữ bức đại tự đề ba chữ Ca Hữu Kỳ. Bà Nguyễn Thị Ngoan lý giải, theo lời các cụ kể lại thì đầu thế kỷ thứ 19, cụ tổ Nguyễn Văn Đỉnh đến làng Chanh Thôn sinh sống và lập một giáo phường hát ca trù tại nơi này, hoạt động mưu sinh chính bằng nghề hát Ca trù. Trong giáo phường từng có nhiều đào nương giỏi trúng tuyển trong các kỳ thi hát của Triều đình nhà Nguyễn. Vì thế, triều đình đã tặng cho Chanh Thôn bức đại tự này với ý nghĩa khẳng định, ca ngợi nơi đây đã được trời ban cho những giọng hát hay tuyệt vời.
Học hát Ca trù dưới sự hướng dẫn trực tiếp, tận tình của nghệ nhân ưu tú, ca nương Nguyễn Thị Khướu có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất của các bạn NVTN.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu hướng dẫn các Nhân vật trải nghiệm hát Ca trù
Xen trong từng câu hát của cụ Khướu là những câu chuyện đời, chuyện hơn 80 năm giữ nghề “gieo lá phách” mà cụ say sưa kể cho các NVTN nghe. Được hát, được truyền dạy tất thảy những gì của Ca trù cổ mà cha ông cụ đã để lại có lẽ là mong muốn không bao giờ dứt của lão nghệ nhân đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Bài & ảnh: HNĐ, Chèo 48H
Theo MaskOnline