Có những bí mật không phải ai cũng biết về phần phim mới nhất Johnny English: Tái xuất giang hồ – tác phẩm đánh dấu sự trở lại sau 7 năm của huyền thoại nước Anh Rowan Atkinson trong vai chàng điệp viên “siêu thông minh và khéo léo” Johnny English.
Johnny English: Tái xuất giang hồ (Tựa gốc: Johnny English Strikes Again) đã chính thức ra mắt khán giả vào ngày 21.09 vừa qua. Phim đã làm thỏa mãn khán giả với những pha hành động cực hấp dẫn và vô số các tình huống “cười té ghế”. Thế nhưng, còn có bí mật không phải ai cũng biết về phần phim mới nhất Johnny English: Tái xuất giang hồ – tác phẩm đánh dấu sự trở lại sau 7 năm của huyền thoại nước Anh Rowan Atkinson trong vai chàng điệp viên “siêu thông minh và khéo léo” Johnny English.
1. Khởi nguồn của Johnny English bắt đầu từ… một đoạn quảng cáo
Vào năm 1991, tập đoàn tài chính hàng đầu Anh quốc Barclaycard đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo trên truyền hình cực kỳ ấn tượng với nhân vật chính là Rowan Atkinson. Trong đoạn phim quảng cáo, Atkinson đã vào vai một mật vụ có tên là Richard Latham, người đã gặp đủ thứ rắc rối trên đời khi làm nhiệm vụ, chỉ bởi vì anh ấy không có sự hỗ trợ của tập đoàn Barclaycard.
17 video được sản xuất về điệp viên giả tưởng Richard Latham cho chiến dịch quảng bá của tập đoàn tài chính Barclaycard đã là nguồn cảm hứng cho một thương hiệu điện ảnh mới được đặt tên là Johnny English.
Nhận thấy tiềm năng khai thác từ câu chuyện về chàng mật vụ độc đáo này, hai nhà sản xuất tên tuổi Tim Bevan và Eric Fellner đến từ Working Title Films đã tới gặp Rowan Atkinson để đề xuất kế hoạch phát triển câu chuyện mật vụ Richard Latham thành kịch bản phim điện ảnh. Với sự giúp đỡ của nhà sản xuất tài ba Chris Clark, cả ba đã bắt tay vào những công việc đầu tiên để xây dựng nên một thương hiệu điện ảnh mới về một điệp viên Johnny English ngố tầu, hậu đậu, vụng về nhưng luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách kì diệu.
Và hơn một thập kỷ sau đó, giới mọt phim đã được chào đón chàng điệp viên độc nhất vô nhị với tên gọi mới: Johnny English. Phần thứ 3 mang tên gọi Johnny English: tái xuất giang hồ này chính là cột mốc kỷ niệm 15 năm chàng điệp viên hài hước nhất thế giới này ra mắt trên màn ảnh rộng.
2. Johnny English có quan hệ “rất mật thiết” với James Bond
Ngoài việc bộ ba phim Johnny English được coi như một phiên bản hài hước của điệp viên vĩ đại James Bond, dường như hai chàng điệp viên nước Anh có một mối lương duyên rất thú vị. Trước khi xuất hiện với vai trò điệp viên Johnny English gạo cội của tổ chức MI7, danh hài gạo cội của xứ sở sương mù Rowan Atkinson đã từng xuất hiện trong phần phim 007 được phát hành năm 1983 mang tên Never Say Never Again, trong vai Nigel Small-Fawcett – đối tác liên lạc của James Bond tại Bahamas.
Từng được đông đảo khán giả trên khắp thế giới biết tới thông qua những vai diễn được giới phê bình đánh giá cao ở cả 2 phương diện Điện ảnh và Truyền hình, mới đây, nữ diễn viên, người mẫu mang hai dòng máu Nga – Ukraine xinh đẹp Olga Kurylenko đã trở lại màn ảnh rộng với vai nàng Ophelia – bóng hồng xinh đẹp và quyến rũ của English trong Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ. Có một sự thật thú vị là trước khi đảm nhận vai diễn này, Olga Kurylenko cũng đã từng có dịp sánh đôi cùng “James Bond” Daniel Craig khi đảm nhận vai diễn Camille – “Bond girl” trong phần phim 007 mang tên Quantum of Solace được phát hành vào năm 2008.
3. Kịch bản được hoàn thiện trước khi chọn đạo diễn tận một năm
Có một điều ít người biết đó chính là phần kịch bản của Johnny English: tái xuất giang hồ đã được hoàn chỉnh trong vòng một năm trước khi các nhà sản xuất lựa chọn được đạo diễn sẽ cầm trịch bộ phim này. Và sau rất nhiều đắn đo suy nghĩ, cái tên được giao để cầm nắm trọng trách “cầm trịch” cho dự án chính là David Kerr, nhà làm phim với những thành tích ấn tượng ở mảng phim hài, người từng đạo diễn các loạt phim hài đình đám như That Mitchell and Webb Look, Fresh Meat, Inside No.9 và Whites.
Đối với David Kerr, việc được đảm nhận cương vị đạo diễn của một phim hài đang rất được khán giả chờ đón như Johnny English: tái xuất giang hồ quả là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Ông cho biết: “Tôi vốn là một fan cuồng của 2 tập phim đầu của loạt Johnny English, tôi thấy chúng cực kỳ hài hước và lũ nhóc nhà tôi cũng rất yêu thích bộ phim này. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn hâm mộ Rowan Atkinson.Ý tôi là, làm gì có ai mà không yêu thích anh ấy cơ chứ. Tuổi thơ của tôi gắn liền với Not The Nine O’Clock News, The Black Adder, Mr. Bean cũng như tất cả các bộ phim khác mà anh ấy từng thực hiện, vì thế được tham gia dự án này là một đặc ân lớn lao đối với cá nhân tôi.
4. Sự trở lại của chàng phụ tá “nói một hiểu mười” từ phần một Bough
Johnny English: Tái xuất giang hồ đánh dấu sự trở lại của Bough – trợ lý của Johnny English tại MI7. Được đảm nhận bởi Ben Miller, nhân vật này từng được giới thiệu với khán giả trong tập phim đầu tiên ra mắt vào năm 2003 nhưng đã không xuất hiện trong phần Johnny English Reborn năm 2011. “Một trong những điều đầu tiên mà chúng tôi đã bàn bạc ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng kịch bản cho tập phim này chính là việc khai thác thêm về mối quan hệ giữa Bough và Johnny.” Nhà sản xuất Tim Bevan cho biết. “Ben và Rowan đã phối hợp với nhau rất ăn ý và luôn bổ trợ cho nhau rất tốt khi thực hiện các phân cảnh hài hước.”
Việc Bough trở thành nhân vật đầu tiên được lựa chọn để trở lại đồng hành với Johnny English là một quyết định khôn ngoan của các nhà sản xuất. Nhà sản xuất Clark nhận định: “Chúng ta thường biết tới sự ngờ nghệch vụng về của Johnny English thông qua góc nhìn của Bough. Nhưng anh chàng này lại tuyệt đối trung thành với Johnny, và tình bạn giữa họ thực sự khiến người xem phải cảm động.”
Được trở lại với nhân vật Bough và được tái hợp với Atkinson, nam diễn viên Miller chia sẻ: “Nó giống như một cuộc du hành ngược thời gian vậy. Dường như chẳng có gì xảy ra trong khoảng thời gian từ lúc tập phim đầu tiên kết thúc cho tới thời điểm bộ phim này bắt đầu. Chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện của Johnny English: Tái xuất giang hồ ở thời điểm sau khi những sự kiện trong Johnny English đã diễn ra. Các nhân vật mà chúng tôi đảm nhận cũng vẫn như vậy thôi, chỉ có điều giờ đây xung quanh chúng tôi là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Anh biết đấy, giờ đây camera đã hiện đại hơn và công nghệ làm phim cũng đã thay đổi rất nhiều.”
Không chỉ riêng công nghệ làm phim mà cả thế giới nơi các mật vụ hoạt động cũng đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, sự xuất hiện trở lại của Bough cực kỳ phù hợp với ý tưởng về cuộc đối đầu giữa Analog và Kỹ thuật số mà các nhà làm phim mong muốn sẽ khai thác trong câu chuyện này. “Chuyện phim kể về sự tái xuất của những cựu mật vụ – những người tưởng chừng đã rơi vào quên lãng vì chẳng còn phù hợp với bối cảnh thế giới hiện đại.” Nhà sản xuất Davies bình luận. “Tôi không có ý nói rằng những mật vụ về hưu này không biết cách vận hành các loại vũ khí hay thiết bị tối tân, chỉ là về bản chất, họ vẫn là những cựu binh thuộc về thế hệ cũ.”
5. Vai diễn thủ tướng Anh là một bí mật được giữ kín đến phút chót
Nữ diễn viên người Anh Emma Thompson đã là cái tên gạo cội trong giới điện ảnh với các bộ phim như Nanny McPhee, Harry Potter, Beauty and the Beasts. Nhưng sự xuất hiện của bà với vai nữ Thủ tướng Anh trong Johnny English: Tái xuất giang hồ là một bất ngờ lớn mà nhà sản xuất đã giữ kín trong suốt quá trình quay phim. Và đến khi trailer đầu tiên chính thức được phát hành, người hâm mộ đã thực sự vỡ òa vui mừng khi phần thứ 3 này, với sự xuất hiện của nữ Thủ tướng Anh – một nhân vật đảm bảo vị trí tối quan trọng trong phim do Emma Thompson thủ vai, câu chuyện hứa hẹn sẽ càng trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.
Vào năm 1992, Emma Thompson đã gây ấn tượng mạnh với cả khán giả lẫn giới chuyên môn với vai Margaret Schlegel trong Howards End của đạo diễn James Ivory. Tài năng của bà đã được ghi nhận với các giải thưởng Oscar, Quả Cầu Vàng, BAFTA, Hội phê bình phim Los Angeles và Hội phê bình phim New York cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Một năm sau đó, Thompson đã nhận được thêm các đề cử Oscar với vai diễn trong The Remains of the Day và In the Name of the Father.
Bước sang năm 1995, kịch bản mà Thompson đã chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Sense and Sensibility đã giúp bà nhận được giải thưởng Oscar, Quả Cầu Vàng và Hiệp hội Biên kịch Anh quốc cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Được dàn dựng dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Lý An, diễn xuất trong Sense and Sensibility cũng đã giúp Thompson nhận giải thưởng BAFTA cùng đề cử Oscar và Quả Cầu Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Quỳnh Ngô
Theo MaskOnline