Tin tức - Sự kiện

Còn đây một Hà Nội hát

PNTĐ-Cuốn Du khảo mới nhất của nhà văn Nguyễn Trương Quý “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” được NXB Trẻ ấn hành ra mắt bạn đọc vào trung tuần tháng 12. Hơn cả một niềm đam mê, Nguyễn Trương Quý trân trọng dành gần 400 trang viết […]

PNTĐ-Cuốn Du khảo mới nhất của nhà văn Nguyễn Trương Quý “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” được NXB Trẻ ấn hành ra mắt bạn đọc vào trung tuần tháng 12.

Hơn cả một niềm đam mê, Nguyễn Trương Quý trân trọng dành gần 400 trang viết của mình để vinh danh những con người, những lời ca đã làm nên một thời Hà Nội hát. Để hôm nay, Hà Nội vẫn hát với những nét nhạc đã neo đậu lại hồn mỗi người Hà Nội…
Bìa sách “Một thời Hà Nội hát”
Huyền thoại đô thị – Huyền thoại Hà Nội
 “Một thời Hà Nội hát” đã tìm về âm nhạc Hà Nội những ngày đầu tiên, mà khởi điểm từ những buổi ra mắt tại hội quán Trí Tri – 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội năm 1938. Từ đó, tân nhạc Việt Nam đã đi một chặng đường để lại nhiều dấu ấn rực rỡ còn được bảo lưu cho đến ngày nay.
Cuốn sách cũng chỉ ra rằng, tân nhạc, nhạc cải cách hay giai đoạn tiếp theo đã sinh ra thuật ngữ “nhạc tiền chiến” cũng đều để chỉ dòng ca khúc mới có ảnh hưởng từ âm nhạc Tây phương, phân biệt với các loại hình cổ nhạc. Âm nhạc Việt Nam buổi đầu ghi nhận những tên tuổi vàng son: Nguyễn Văn Khánh, Đặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, cho tới Phạm Duy, Văn Cao, Hoàng Trọng, Tô Vũ… Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn xuất hiện ở chặng cuối của giai đoạn này. Đáng lưu ý, với số lượng ca khúc không nhiều so với các nhạc sĩ cùng thời, nhưng Đoàn Chuẩn – Từ Linh đã thực sự trở thành cái tên đặc biệt đáng nhớ trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, gắn bó với người Hà Nội, âm nhạc Hà Nội.
Một thời Hà Nội hát tập trung vào một lát cắt lịch sử Hà Nội mà hình dung về nó còn bỏ ngỏ nhiều khoảng trống: quãng thời gian trước và sau 54 – giai đoạn thành phố bị tạm chiếm, cuộc kháng chiến 9 năm, cho tới những ngày đầu tiếp quản Thủ đô. Nguyễn Trương Quý chọn khảo sát một mảng hiện thực mà giới Sử học thường ít chú ý tới: sự tiếp biến và chuyển hóa của đời sống giải trí đô thị mà trọng tâm là âm nhạc.
Trong không gian đô thị Hà Nội, âm nhạc trở thành phương tiện lưu giữ hiệu quả những ký ức thị dân trong suốt nhiều thập niên.Trên tinh thần ấy, Nguyễn Trương Quý đưa người đọc đi trên con lộ lịch sử tân nhạc để khám phá cái mà anh gọi là “huyền thoại Hà Nội”. Huyền thoại ấy được thêu dệt bằng lời ca, tiếng nhạc, của những tên tuổi vàng son buổi đầu. Trong đó không thể không nhắc tới Đoàn Chuẩn – nhân vật chính của cuốn sách – người mà sự nghiệp sáng tác, vào thời điểm này, đang ở giai đoạn tinh anh nhất.
Điểm thú vị chắc chắn sẽ gây tò mò cho độc giả, đó là, các câu chuyện âm nhạc luôn được phủ lên một lớp sương mờ và đẹp của những mối tình nghệ sĩ hư ảo “như giấc mơ, chóng tàn vì vương muôn ý thơ”, rất khó để xác quyết. Với một độ dày tư liệu cần thiết và lối xử lý thông tin gọn gàng, khúc chiết, Nguyễn Trương Quý lần lượt giải mã những “tà áo xanh” làm nguyên mẫu hay gợi cảm hứng cho trong cuộc đời sáng tác của Đoàn Chuẩn: từ cô hàng cà phê “quán Thanh Hương” cho tới Mộc Lan, Thanh Hằng – những nữ danh ca tài sắc của một thời sôi nổi văn nghệ. Họ đa tình đến với nhau qua âm nhạc “em mơ trong tiếng hát, anh mơ trong nét bút”. Âm nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, vì thế, là nhạc của một người viết cho một người, một người hát cho một người nghe. Của mùa thu, của tình yêu, của mỹ cảm…
Có những giọt nước mắt đã lăn 
Nhà văn Nguyễn Trương Quý, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng bạn bè đã trân trọng tổ chức hai đêm Nhạc & Sách: Chuyện tình tà áo xanh, như một lời tri ân với di sản âm nhạc lãng mạn của Đoàn Chuẩn – Từ Linh nói riêng cũng như “Một thời Hà Nội hát”, trong ngữ cảnh rộng hơn, nói chung. Những tình khúc Đoàn Chuẩn – Từ Linh được vang lên ở địa chỉ lịch sử: Rạp Đại Đồng – 46 Hàng Cót (nay là Trung tâm văn hóa quận Hoàn Kiếm) và không gian ấm cúng của Ơ kìa Hà Nội trong một ngõ nhỏ cuối phố Hoàng Hoa Thám cuối tuần vừa qua.
Rạp Đại Đồng từng thuộc quyền sở hữu của gia đình Đoàn Chuẩn. Hãng nước mắm Vạn Vân lừng danh một thời của gia đình ông đã mua lại rạp cuối năm 1954, ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô. Đoàn Chuẩn với tư cách Giám đốc âm nhạc và người bạn Từ Linh – Phó Giám đốc đã trực tiếp tổ chức các đêm nhạc với những giọng ca vàng của Hà Nội thời ấy như Minh Đỗ, Anh Tuấn, Thanh Hằng… khiến Đại Đồng trở thành một địa chỉ nghệ thuật uy tín nổi bật của Hà Nội trong suốt năm 1955.
Sáu mươi ba năm sau, sân khấu ấy một lần nữa lại sáng đèn, giọng ca bè bạn của Trí Trung, Hoàng Lân, Giang Trang – trước hết là những người yêu và trân trọng âm nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh – đã chuyên chở cảm thức của lớp hậu sinh với di sản nghệ thuật của người nhạc sĩ tài hoa. Khi những Đường về Việt Bắc, Chuyển bến, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều… được cất lời cùng với những thước phim tư liệu giá trị do Ban tổ chức công phu chuẩn bị, không ít những giọt nước mắt đã thổn thức lăn. Có một thời Hà Nội say đắm đã hát và đã yêu như thế.
Chương trình còn có sự góp mặt biểu diễn của nghệ sĩ hạ uy cầm Đoàn Đính – con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, cùng thân nhân gia đình nhạc sĩ Từ Linh, danh ca Thanh Hằng và các học trò ngày nào mang đàn đến biệt thự số 9 – Cao Bá Quát học thầy Đoàn Chuẩn, giờ đã là những ông bà tuổi ngoài thất thập. Hà Nội một thời vẫn đầy lưu luyến như thế… ba
Theo baophunuathudo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *