Từ ngày 06-16/9/2017, Liên hoan phim Đức sẽ mang 9 bộ phim đặc sắc của Đức tới Việt Nam để phục vụ mọi đối tượng khán giả tại 5 thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với một chương trình chiếu phim đa dạng.
Với hơn 40 suất chiếu phim ngôn ngữ gốc tiếng Đức kèm phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh hoặc lồng tiếng, LHP năm nay sẽ mang đến cho khán giả Việt Nam 9 bộ phim đặc sắc từng tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế trên khắp thế giới và đại diện cho điện ảnh đương đại của nước Đức.
Cùng điểm qua 9 bộ phim đặc sắc của Đức được trình chiếu trong LHP lần này:
24 tuần (C13) – phim chiếu khai mạc với sự có mặt của diễn viên, đạo diễn Anne Zohra Berrached
Bộ phim được chiếu trong buổi khai mạc LHP tại Hà Nội vào ngày 6/9 có tựa đề 24 tuần (24 Wochen) là một phim thuộc thể loại tâm lý. Astrid là một diễn viên hài, Markus chồng cô cũng là người quản lý của cô. Họ có một cô con gái chín tuổi và đang chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời. Sau khi biết rằng con mình sinh ra sẽ bị khuyết tật, mới đầu họ lạc quan cho rằng họ có thể đáp trả thách thức này. Nhưng càng gần ngày sinh, Astrid càng lo lắng cho tương lai của đứa con chưa chào đời cũng như của gia đình và sự nghiệp của mình. Cô đứng trước hai lựa chọn khó khăn khi mang bầu ở tháng thứ 7.
24 tuần là bộ phim tốt nghiệp của nữ đạo diễn trẻ Anne Zohra Berrached ở học viện phim Baden-Württemberg. Với vai trò khách mời đặc biệt, nữ đạo diễn, biên kịch và diễn viên Anne Zohra Berrached sẽ có mặt tại Việt Nam để giới thiệu bộ phim này. Đây là tác phẩm từng tranh giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin 2016. Bộ phim này cũng giành giải Bạc tại Liên hoan phim Đức 2017. Cho đến nay, 24 tuần đã dành được tổng cộng 16 giải thưởng trong đó có 3 giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Ngoài ra, Anne Zohra Berrached còn là diễn viên chính của phim “Thế hệ Y” (Millennials) cũng chiếu trong dịp này.
Mất tích ở Berlin (C18)
Người hâm mộ minh tinh Australia – Teresa Palmer và tài tử đang lên người Đức, Max Riemelt (nổi tiếng qua loạt phim “Sense8”) chắc chắn không thể bỏ qua phim ly kỳ Mất tích ở Berlin (Berlin Syndrome). Phim lấy bối cảnh ở thành phố Berlin – nơi nổi tiếng về nghệ thuật, lịch sử và một cuộc sống hứa hẹn nhiều màu sắc. Nhân vật chính là một cô gái trẻ đến Berlin, có tình một đêm với một chàng trai lịch lãm và từ đó, chuyến đi Berlin trở thành một trải nghiệm hãi hùng khó quên trong đời cô.
Cate Shortland là một đạo diễn phim người Úc. Đây là bộ phim thứ hai của cô làm về Berlin. Cô đã sống ở đây cùng gia đình được hai năm. Tựa đề bộ phim tham chiếu tới Hội chứng Stockholm, một hiện tượng tâm lý khi con tin dần dần đồng cảm với kẻ bắt cóc.
Gia đình Lotzmann nổi loạn
Gia đình Lotzmann nổi loạn (Familie Lotzmann) là phim dành cho mọi lứa tuổi, kể về một ông lão mới nghỉ hưu đã gây ra bao rắc rối trong một ngôi nhà và bị tống ra đường. Chỉ trong một buổi chiều, ông Hubert mới nghỉ hưu đã kịp làm sôi máu các bà chị vợ, bán đứng cô con gái nổi loạn Bille cho bên cảnh sát và quên mất sinh nhật Annemarie. Nhưng đến khi chiếc máy hút bụi Fuzzbuster 500 thân thương bị hỏng sau khi nuốt trọn chú vẹt cảnh bảo bối của gia đình, Hubert bị tống cổ khỏi nhà. Hy vọng duy nhất để ông có thể trở về là sửa được nó trong vòng 2 tiếng, hoặc không bao giờ về nhà được nữa!
Hạnh phúc (C16)
Từng gây chú ý tại các liên hoan phim tài liệu ở châu Âu, Hạnh phúc (Happy) là phim tài liệu của nữ đạo diễn Carolin Genreith với nhân vật chính là cha cô. Trong vài năm, cha của Carolin thay đổi nhiều từ khi chia tay vợ. Mỗi năm ông đi Thái Lan vài tuần cùng bạn bè hoặc một mình. Với ông, đó là dấu ấn cuộc đời nhưng điều này không dễ chịu với Carolin. Nhiều người dân sống cùng làng còn xì xào ông là khách du lịch mại dâm. Trong cuốn phim, Carolin ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ của cha và đặt ra những câu hỏi về sự cô đơn, những điều cấm kị và hạnh phúc thực sự.
Carolin Genreith từng học sản xuất truyền hình và Báo chí ở Berlin và từng làmviệc cho nhiều nhà làm phim và các hãng sản xuất khác nhau với vai trò trợ lý đạo diễn và đồng tác giả. Hạnh phúc“ là bộ phim tài liệu dài thứ ba của cô.
Thế hệ Y (C13)
Là phim có thời lượng ngắn nhất (70 phút) trong các tác phẩm chiếu dịp này, Thế hệ Y (Millennials) nói về Anne và Leo là hai người bạn cùng ngoài 30 tuổi. Họ đến với nhau giữa đô thị với một thái độ sống kiểu thành thị. Anne là một đạo diễn thành công nhưng lại có ít quan hệ xã hội. Leo mơ mộng, muốn trở thành nhiếp ảnh gia và khao khát tình yêu. Qua các cuộc gặp gỡ, họ nhận ra mình bị hạn chế bởi các kế hoạch trong cuộc đời.
Jana Bürgelin học về phim tài liệu tại Học viện Phim Ludwigsburg. Với bộ phim tốt nghiệp này, cô tham gia vào LHP Berlinale.
Hổ cái (C16)
Hổ cái (Tiger Girl) là một tác phẩm mang phong cách nổi loạn, phóng khoáng của tuổi trẻ. Phim nói về tình bạn thay đổi nhanh chóng của hai cô gái trẻ. Tiger có cá tính mạnh với nguyên tắc: “Nếu có ai đào hố, hãy chôn hắn”. Trong khi Vanilla là một cô gái ngây thơ. Tiger dạy Vanilla cách chiến đấu để rồi học được một chân lý mới là: “Gieo gió phải gặt bão”.
Tschick
Những ai yêu thích phim hài, hành trình sẽ có những phút giây thú vị với Tschick (Goodbye Berlin) – bộ phim của đạo diễn Fatih Akin (từng có phim giành Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes). Phim kể về cậu bé 14 tuổi Maik sống trong một biệt thự xa hoa, có bể bơi. Khi mẹ đi cai nghiện và cha đi “công tác” cùng thư ký, Maik bất ngờ quen người bạn mới là Tschick. Cả hai bước vào một hành trình vô định trên chiếc xe hơi Lada ăn trộm để bắt đầu một mùa hè rực rỡ nhất của tuổi trẻ.
Lời hứa tự do vùi trong cát
Từng được đề cử Oscar hồi đầu năm nay ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, Lời hứa tự do vùi trong cát (Unter dem Sand) là phim chiến tranh, lịch sử gây chú ý thế giới thời gian qua. Phim nói về sau giai đoạn Thế chiến II, 12 người lính Đức trở thành tù binh chiến tranh. Họ phải dọn sạch số mìn quân Đức đã cài tại bờ biển Đan Mạch. Nguy cơ nổ mìn rình rập họ bất kỳ lúc nào. Điều duy nhất duy trì ý chí sống sót của họ là lời hứa được trở về quê hương sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Lời hứa tự do vùi trong cát đã giành được rất nhiều giải thưởng: Phim hay nhất, Diễn viên chính xuất sắc nhất, Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại LHP Luxembourg 2016; Phim hay nhất tại LHP Ramdam 2016; Diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Tokyo 2015; Phim Bắc Âu hay nhất tại LHP Göteborg 2016; Giải khán giả bầu chọn, Giải Moviezone tại LHP
Rotterdamm 2016; Phim Đan Mạch hay nhất tại Giải thưởng phim châu Âu,…
Hoang dã (C16)
Hoang dã (Wild) từng gây xôn xao liên hoan phim độc lập Sundance 2016 bởi ý tưởng độc đáo và cách thể hiện táo bạo. Phim bắt đầu khi cô gái Ania trên đường đi làm chợt thấy một con sói giữa công viên. Ánh mắt cả hai giao nhau và Ania trở thành một thợ săn. Cô đặt bẫy con sói, nhốt nó trong căn hộ của mình và thay đổi những thói quen thường ngày. Nhận thấy sự khác biệt trong cách ứng xử hàng ngày của Ania, Boris – sếp của cô – cố gắng gần gũi cô để chia sẻ một khát khao thầm kín.
Bộ phim đã giành được giải thưởng: Phim dài hay nhất, Vai nam phụ hay nhất, Thiết kế mỹ thuật/quay phim tốt nhất, Thiết kế âm thanh tốt nhất tại Giải Phim Đức 2017; Giải thưởng Günter-Rohrbach cho phim 2016 và Giải Diễn viên 2016.
V.H
Thời gian, địa điểm diễn ra LHP Đức tại Việt Nam:
Hà Nội: Trung tâm chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ (từ 06-12/9)
Hải Phòng: Rạp Lotte, Tầng 5, TT thương mại Vincom, số 1 Lê Thánh Tông (07-15/9)
Huế: Rạp Đông Ba, 187 Trần Hưng Đạo (từ 08/15/9)
Đà Nẵng: Trung tâm phát hành Phim & Chiếu bóng, 68 Trần Phú (09-16/9)
TP. Hồ Chí Minh: Rạp CineStar, 135 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Quận 1 (07-13/9)
Theo MaskOnline