Gia đình

Huyện Gia Lâm: Xây dựng gia đình phát triển bền vững

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/12/2005 “về công tác xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước”, nhiều nội dung về mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam nói chung và xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước đã có tác động và làm thay đổi đời sống vật chất tinh thần của đa số gia đình trên địa bàn huyện Gia Lâm. Nhiều hộ gia đình có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình khá giả, hạnh phúc.

Huyện Gia Lâm trao giấy khen cho các“Gia đình văn hóa tiêu biểu”

 Trong 15 năm qua, huyện Gia Lâm thường xuyên duy trì công tác tuyên truyền về công tác xây dựng gia đình. Hệ thống phát thanh huyện và đài truyền thanh xã, thị trấn đã biên tập trên 2.000 tin, bài, phát trên 4.000 lượt tin bài tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ (25/11). Ngành Y tế huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền và tư vấn về DS-KHHGĐ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho 22 xã, thị trấn cho 5.400 lượt người.

Từ năm 2005 đến năm 2019 đã có 3.021 hội nghị đại biểu Nhân dân với trên 365.000 lượt người tham dự, trên 18.000 ý kiến đóng góp bàn xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, những giải pháp liên quan đến xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn cảnh quan môi trường, xây dựng đường làng, ngõ xóm “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”, bổ sung quy ước của thôn, tổ dân phố, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thiết thực: phát 10.250 tờ rơi, 1.000 tài liệu về luật phòng, chống bạo lực gia đình, tài liệu nuôi dạy con tốt, văn hóa ứng xử, giao tiếp trong đời sống gia đình…

Hội Cựu Chiến binh huyện tổ chức phát động phong trào “Cựu Chiến binh gương mẫu” và “Gia đình Cựu chiến binh văn hóa” gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Qua nhiều năm thực hiện, phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Kết quả hằng năm, tỷ lệ hội viên Cựu chiến binh gương mẫu và gia đình hội viên văn hóa đạt bình quân 96,7-98,24%.

Hội Nông dân huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn, chiến dịch truyền thông, phối hợp tổ chức hội thảo về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, DS-KHHGĐ; phát động phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giầu và giảm nghèo bền vững” góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Huyện. Giai đoạn 2005-2020, toàn huyện có 105.465 lượt hộ gia đình đăng ký hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”, đã có 81.251 lượt hộ đạt hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp…

Các địa phương, ban ngành, đoàn thể của huyện và cơ sở thực hiện tốt việc tổ chức các buổi họp mặt, tọa đàm, biểu dương, khen thưởng gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, vượt khó vươn lên, nuôi dạy con tốt, hiếu học; thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình khó khăn, vận động cá nhân và cụm dân cư tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, số gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đinh, văn hóa” tăng từ 87,4% (năm 2005) lên 94% (năm 2019).

Công tác giáo dục đời sống gia đình được các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với công tác gia đình. Hiện nay, toàn huyện có 769 tổ liên gia ở 16/22 xã, thị trấn; 35 loại hình tự quản trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường,… được duy trì hoạt động tại 192 thôn, tổ dân phố. 187 địa chỉ tin cậy được xây dựng tại cộng đồng dân cư. Những năm qua, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, giúp đỡ và tư vấn cho 102 trường hợp mâu thuẫn gia đình giữa vợ chồng, bố mẹ, con, anh chị em và đã hòa giải, giải quyết thành công.

Đặc biệt, huyện đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo và đạt được những kết quả cao. Hàng năm, giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ bò sinh sản, xây sửa nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, người có công và hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2005-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện hỗ trợ 1.063 tỷ đồng cho 58.273 lượt hộ vay vốn để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, nâng cao mức sống…

Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH. Đồng thời, củng cố, kiện toàn ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ huyện đến cơ sở. Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào Hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Thực hiện duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó, chú trọng vào những địa phương có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa.

Vương Vân

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *