Văn hóa

Triển khai Chương trình 04- CTr/TU của Thành ủy: Những nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện Chương trình 04- CTr/TU ngày 26/4/2016  của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016- 2020”, ngày 14/6, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành […]

Thực hiện Chương trình 04- CTr/TU ngày 26/4/2016  của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016- 2020”, ngày 14/6, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung cụ thể của Chương trình 04 đề xuất báo cáo UBND Thành phố các nội dung trọng điểm, biện pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình.

1

Hoàn thiện và phát huy giá trị của Bảo tàng Hà Nội

Theo văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố, căn cứ các mục tiêu cụ thể của Chương trình 04, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ Thành phố tới cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế các cấp, bảo đảm mỗi quận, huyện, thị xã đều có Trung tâm Văn hóa thể thao. Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của các di sản văn hóa, các di tích trên địa bàn thành phố. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và phát huy giá trị của Bảo tàng Hà Nội. Chú trọng phát triển văn học, nghệ thuật trên nền tảng kế thừa truyền thống văn hiến của Thủ đô, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, thu hút tài năng trẻ, phát triển văn học, nghệ thuật; nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác giao lưu, quảng bá, tuyên truyền về văn hóa. Phát triển thể thao quần chúng, chú trọng đẩy mạnh phong trào toàn dân tập thể dục thể thao. Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng đánh giá, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa: Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa. Xây dựng văn hóa cộng đồng, ban hành và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, coi đây là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nếp sống người Hà Nội.

Sở Giáo dục và đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng dạy tin học, ngoại ngữ, khoa học; tăng cường giáo dục thể chất, kỹ năng sống, giáo dục nhân cách. Thực hiện giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, vưn minh trong học sinh Thủ đô”; bổ sung tài liệu giảng dạy trong các cấp học còn lại (mầm non, giáo dục chuyên nghiệp).

2

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa các bệnh viên khu vực nội đô

 Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa các bệnh viện khu vực nội đô, đầu tư nâng cấp trung tâm y tế dự phòng Thành phố và hệ thống bệnh viện tuyến huyện, tuyến khu vực. Tập trung đầu tư xây dựng 01 đến 02 bệnh viện tầm khu vực và quốc tế; hoàn thành dự án xây dựng bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm kỹ thuật cao tại bệnh viện đa khoa Xanh- Pôn.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố. Huy động mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thành phố theo quy hoạch và theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đầu tư bổ sung trang thiết bị, chương trình giảng dạy, giáo trình, nâng cao chất lượng giáo viên cho 3 trường cao đẳng nghề công lập chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế. Thực hiện có hiệu quả thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch, đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Quan tâm tạo việc làm cho đối tượng mắc tệ nạn xã hội đã được giáo dục; nhân rộng mô hình xã, phường, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học không tệ nạn xã hội.

Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH-CN vào sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ. Nghiên cứu hình thành Vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ với trang thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức và nâng cao hiệu quả của các hoạt động khoa học công nghệ. Triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo, phối hợp nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, thuê chuyên gia về các vấn đề khoa học công nghệ, khoa học quản lý phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện Đề án Phố sách Hà Nội, chiến lược phát triển sách của Hà Nội, tổ chức các sự kiện như Hội sách thiếu nhi (1/6), Hội sách Hà Nội nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô cũng như giới thiệu văn hóa đọc của Hà Nội với thế giới.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách Thành phố. Hoàn thành đầu tư xây dựng Cung thiếu nhi tại quận Cầu Giấy và Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà hát Thăng Long, rạp Đông Đô (quận Hoàn Kiếm) và Khu văn hóa đa năng Thái Thịnh (quận Đống Đa) theo hướng xã hội hóa để hình thành một số trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa. Triển khai bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa; triển khai quy hoạch và thực hiện các dự án bảo tồn làng nghề, làng cổ gắn với phát triển du lịch: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ luyện tập và thi đấu thể thao, nhất là các địa điểm tổ chức các môn thi đấu của Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.

Phương Uyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *