Văn hóa

Đầu tư cho Văn hóa, Thể thao chính là đầu tư cho con người

Đó là thông điệp mà Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động muốn truyền tải tới không chỉ những người làm Văn hóa, Thể thao mà với tất cả người dân.

Năm 2016 là năm đầu tiên Thủ đô thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, năm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Thủ đô. Sáu tháng đầu năm 2016, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính; đổi mới chỉ đạo, điều hành; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát động các phong trào thi đua yêu nước; toàn Ngành đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Gia đình.

Ông Tô Văn Động, GĐ Sở VH&TT Hà Nội phát biểu trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ngành VH&TT Hà Nội
Ông Tô Văn Động, GĐ Sở VH&TT Hà Nội phát biểu trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ngành VH&TT Hà Nội

Ông Tô Văn Động, GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có những phát biểu nêu lên kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016, chia sẻ những khó khăn của Ngành đồng thời quyết liệt chỉ đạo giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.
6 tháng đầu năm 2016 toàn ngành Văn hóa và Thể thao đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra điểm nóng, phục vụ những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Thành phố và nhân dân như Tết âm lịch, bầu cử… Đó là những điểm sáng mà ngành Văn hóa và Thể thao đạt được. Lĩnh vực thể thao đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, đặc biệt là Hội khỏe Phù Đổng của Khu vực 2, Thể thao Thủ đô đã dẫn đầu và bỏ xa đơn vị đứng kế tiếp. Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị cho 8/22VĐV của cả nước tham dự Olympic Brazil 2016.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành Văn hóa và Thể thao cũng còn những hạn chế, trong đó có những hạn chế mang tính truyền thống. Thủ đô Hà Nội đang phấn đấu là một trung tâm Văn hóa – Thể thao tiêu biểu của cả nước, toàn ngành còn đang tiếp tục phải cố gắng. Năm 2016 là năm thứ 3 thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị, chúng ta đang phấn đấu vì một Hà Nội Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, 3 nội dung Xanh, Văn minh, Hiện đại được thể hiện tương đối rõ về mặt chủ trương, quan điểm và tổ chức thực hiện. Nhưng nội dung về Văn hiến vẫn còn chưa rõ nét mà đó là nhiệm vụ của những người làm văn hóa, thể thao của toàn thành phố. Toàn ngành cần phải có những đóng góp tích cực nhất, kiến nghị xác đáng nhất với Thành phố để làm sao mọi người đều thấy được nội dung Văn hiến cũng sẽ được thể hiện rõ nét từ quan điểm đến tổ chức thực hiện như Xanh, như Văn minh, như Hiện đại. Chính vì vậy, mặc dù toàn ngành đã cố gắng phấn đấu rất nhiều nhưng ngành Văn hóa và Thể thao chưa tương xứng với vị thế và vai trò của Thủ đô Hà Nội. Điều này cho dù là khuyết điểm hay chậm trễ truyền thống thì mỗi một thời kỳ, mỗi một thời điểm chúng ta đều phải góp một viên gạch vào đó để sau 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc có thể lâu hơn nữa ngành Văn hóa, Thể thao Hà Nội sẽ đạt được vị thế đúng với vị trí và vị thế của Thủ đô.

 Ngành VH&TT Thủ đô cố gắng hết mình vì một Hà Nội văn hiến
Ngành VH&TT Thủ đô cố gắng hết mình vì một Hà Nội văn hiến

Ngành Văn hóa, Thể thao cần chủ động hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa, bao nhiêu cái hay nhất hội tụ ở đây thì cũng có thể nảy sinh từ đây những cái dở. Cho nên những người làm công tác quản lý Văn hóa và Thể thao ở Thủ đô Hà Nội phải luôn luôn bám sát thực tiễn, cập nhật thực tiễn và phát hiện ngay những vấn đề mà thực tiễn nảy sinh để chúng ta có cơ chế quản lý cho tốt.

Sự nghiệp phát triển văn hóa là nhiệm vụ đòi hỏi sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vì vậy, những người làm Văn hóa, Thể thao của Thành phố phải thuyết phục bằng được từ lãnh đạo đến người dân để mọi người thay đổi về mặt quan điểm tư duy, để mọi người xóa đi quan niệm rằng Văn hóa, Thể thao có cũng được, không có cũng được, thiếu cũng không chết ai. Những người làm Văn hóa, Thể thao cần truyền đi thông điệp: Đầu tư cho văn hóa, thể thao chính là đầu tư cho con người và làm văn hóa là để giữ nước.Chúng ta đói một chút chúng ta có thể vẫn còn lo được nhưng chúng ta mất văn hóa là mất nước. Cho nên, những người làm Văn hóa, Thể thao phải thấy được trách nhiệm to lớn ấy nhưng đó cũng chính là niềm vinh dự của mình. Mỗi một lần thể thao Việt Nam đoạt giải quốc tế, hàng chục các hãng truyền hình đưa hình ảnh cờ Tổ quốc, quốc ca Việt Nam được cất lên trên đất bạn, thật sự vinh dự. Đó là một kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Hay chỉ đơn giản trong cuộc đời mỗi con người, khi chúng ta khỏe, chúng ta ước 100 điều, nhưng khi yếu ta chỉ ước một điều duy nhất là sức khỏe.

Thành phố đã có 8 chương trình của Thành ủy trong đó có 1 Chương trình rất quan trọng là Chương trình 04, đây là Chương trình nhiệm vụ của Ngành Văn hóa và Thể thao nhưng đồng thời cũng là cơ hội của ngành, cần tích cực thực hiện ngay sau khi Thành phố có kế hoạch. Trong đó còn có rất nhiều nội dung mà ngành Văn hóa và Thể thao phải tham gia như phấn đấu vì một Hà Nội Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Để phấn đấu vì một Hà Nội Văn hiến, buộc ngành VH&TT phải có những cải cách hành chính quyết liệt, từ thủ tục, giảm đầu mối để tinh gọn hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Về vấn đề quảng cáo, 162 biển quảng cáo tấm lớn vi phạm dứt khoát phải được dỡ bỏ trước ngày 15/8; xem xét rà soát lại toàn bộ các biển quảng cáo ở giải phân cách (900 biển), biển nào không còn phù hợp, không có phép thì sẽ được dỡ bỏ. Trước mắt, Sở VH&TT Hà Nội kiểm kê có 212 biển cần dỡ bỏ chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, quận Tây Hồ, quận Nam Từ Liêm. Quy hoạch quảng cáo còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất giữa các quận, huyện với Sở VH&TT, với quan điểm của Thành phố là hạn chế các biển quảng cáo, vì vậy phải đưa ra được những phương án hài hòa giữa người quản lý, nhu cầu của quận, huyện, nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tháng 7 sẽ hoàn thành được quy hoạch, sau khi có quy hoạch, sẽ đấu thầu giá đất, đấu thầu chủ đầu tư… Nhưng muốn có quy hoạch thì trước hết phải xử lý tất cả các biển quảng cáo vi phạm, đưa quảng cáo về đúng trật tự của nó.

Biển quảng cáo tấm lớn vi phạm sẽ được dỡ bỏ trước ngày 15/8 (Ảnh minh họa)
Biển quảng cáo tấm lớn vi phạm sẽ được dỡ bỏ trước ngày 15/8 (Ảnh minh họa)

Về vấn đề di tích, di sản, Sở VH&TT quyết liệt ủng hộ phân cấp về mặt quản lý di tích cho quận, huyện nhưng vẫn còn những mối lo đó là: Khi quá trình phân cấp ấy nó bộc lộ những hạn chế một là nguồn lực, 2 là năng lực của cán bộ. Về mặt nguồn lực, Sở VH&TT đã kiến nghị với Thành phố hỗ trợ cho các di tích. Về năng lực, Sở tích cực đề nghị ban Quản lý, phòng Quản lý di sản phải tăng cường hướng dẫn và giúp cho những quận, huyện mà năng lực cán bộ ở đó chưa đủ khả năng để quản lý những di tích trên địa bàn, nhất là những di tích cấp quốc gia đặc biệt có kiến trúc từ thế kỷ 17,18 trở về trước…

Riêng về lĩnh vực Thể thao thì có 2 nội dung: Xung quanh vấn đề Thể thao quần chúng các quận huyện tiếp tục phát huy các phong trào thể thao quần chúng. Tuy vậy, tỷ lệ người tham gia thể dục thể thao thường xuyên cũng cần xem xét lại, tỷ lệ 27% vẫn chưa phải là thực tế. Phải đi vào thực chất xem số người, số gia đình tập thể thao trên thực tế là bao nhiêu để đưa ra con số cho đúng. Về dụng cụ thể thao, Sở VH&TT Hà Nội đang cố gắng đi theo hướng tích cực lắp cho các quận, huyện, nhưng vì chủ yếu từ nguồn xã hội hóa nên tại các quận thì cơ bản hoàn thành nhưng đối với các huyện thì phải sử dụng ngân sách nhà nước để cấp, do tại các huyện thì ít các doanh nghiệp đến đó để quảng cáo.

Tại Hội khỏe Phù Đổng của Khu vực 2, Thể thao Thủ đô đã dẫn đầu và bỏ xa đơn vị đứng kế tiếp
Tại Hội khỏe Phù Đổng của Khu vực 2, Thể thao Thủ đô đã dẫn đầu và bỏ xa đơn vị đứng kế tiếp

Sở VH&TT Hà Nội đang tiếp tục tái cơ cấu lại thể thao thành tích cao, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Tuyến năng khiếu sau này sẽ đưa thí điểm về các quận, huyện có truyền thống.

Sáu tháng cuối năm 2016, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, yêu cầu, nhiệm vụ của Thành phố và nhân dân Thủ đô đặt ra đối với toàn ngành Văn hóa và Thể thao ngày càng tăng cao. Thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc hoàn thành kế hoạch năm 2016. Toàn ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, đặc biệt là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân Thủ đô để ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế là trung tâm của cả nước.

Vy Vy

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *