Thể thao quần chúng

73 HCV SEA Games có đổi được 1 HCV ASIAD?

​Đoàn VN đã hoàn thành chỉ tiêu 73 HCV và vị trí nằm trong tốp 3 tại SEA Games 27. Nhưng ngay những chuyên gia thể thao cũng không tin rằng cơn mưa vàng SEA Games này có thể đổi lấy “những giọt vàng” ở ASIAD.

Thạch Kim Tuấn – HCV cử tạ SEA Games 27.

Đoàn VN đã hoàn thành chỉ tiêu 73 HCV và vị trí nằm trong tốp 3 tại SEA Games 27. Nhưng ngay những chuyên gia thể thao cũng không tin rằng cơn mưa vàng SEA Games này có thể đổi lấy “những giọt vàng” ở ASIAD.

    Lần đầu giành 10 HCV ở một kỳ SEA Games, nhưng khi được hỏi liệu với thành tích này, điền kinh VN có hy vọng lần đầu tiên giành HCV tại một kỳ ASIAD, cụ thể là ASIAD 2014 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc hay không, thì một quan chức của ngành thể thao thẳng thắn trả lời: “Khó lắm. Chưa thấy hy vọng nào cả”. 

    Kết luận trên có những dẫn chứng cụ thể. Nhảy cao nữ muốn có HCV phải từ 1m95 trở lên, trong khi tại SEA Games 27, Dương Việt Anh giành HCV chỉ với 1m84 và thành tích  tốt nhất của Việt Anh cũng chỉ là 1m90 từ SEA Games trước. Ở nội dung nhảy 3 bước nam, Nguyễn Văn Hùng lập kỷ lục SEA Games mới với 16m67, nhưng muốn giành HCV ASIAD thì anh phải đạt trên 17m. 

    Là “người hùng” của VN trên 2 cự ly chạy dài 5.000m và 10.000m, nhưng Nguyễn Văn Lai vẫn khó có “cửa” giành huy chương chứ đừng nói HCV ASIAD, vì ở đây anh phải chạy 10.000m dưới 29 phút (thành tích của Lai hiện là 29 phút 44 giây 82).  Tương tự, 2 HCV 800m và 1.500m của Đỗ Thị Thảo còn khoảng cách vời vợi  so với tốp có huy chương (chưa tính HCV): Hiện tại, Thảo chạy 800m hết 2 phút 05 giây, trong khi muốn vào tốp phải đạt 2 giây 01. 

    Ngay cả “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương dù giành 2 HCV 100 và 200m tại Myanmar vừa qua  thì với thành tích hiện tại cũng còn khoảng cách rất xa tốp tranh huy chương, dù chị đã từng giành HCĐ tại ASIAD Quảng Châu 2010. Hiện Vũ Thị Hương chạy 100m nữ hết 11 giây 6 (trong khi Trung Quốc có 2 VĐV và Nhật Bản cũng có 2 VĐV chạy 11 giây 4), nội dung 200m được cho là  tốt nhất của Vũ Thị Hương tại SEA Games này (23 giây 55), nhưng cũng chỉ nằm trong tốp 6, nếu Hương muốn có HCV phải rút ngắn thành tích xuống dưới 23 giây 30. Lưu ý rằng đây là những thông số mới nhất cập nhật từ các cuộc thi của năm nay, không phải số liệu từ 4 năm trước.

    Môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn dù giành HCV và phá kỷ lục SEA Games  ở hạng cân 56kg nam, nhưng khi được hỏi về khả năng có vàng ASIAD thì trưởng bộ môn Đỗ Đình Kháng ngập ngừng: “Dù Tuấn hiện nằm trong tốp 5 thế giới đấy, nhưng ASIAD là đấu trường kinh khủng hơn nhiều, hơn nữa nơi đây tập trung nhiều VĐV Trung Quốc, giành HCV rất khó”. Tương tự, dù được đánh giá là môn xuất sắc tại SEA Games 27 với 7 HCV, nhưng ông Nguyễn  Đức Uýnh – trưởng bộ môn bắn súng Tổng cục TDTT – lại cho biết đây là những nội dung… yếu của bắn súng VN, nhưng ngay cả ở những nội dung mạnh  thì “giành HCV ASIAD cũng rất khó”.

    Trong những HCV SEA Games 27, triển vọng nhất là Ánh Viên với các cự ly bơi. Theo HLV của cô thì ở nội dung 200m bơi ngửa, Ánh Viên luôn nằm trong tốp 3 Châu Á, nhưng tại SEA Games năm nay, dù giành HCV và phá kỷ lục SEA Games, thành tích ở nội dung sở trường này của cô vẫn chưa được như mong muốn. Và như vậy, nếu chỉ dựa vào những môn võ mà việc chấm điểm dựa trên cảm tính đầy rủi ro thì việc giành dù chỉ 1 HCV ASIAD đối với TTVN cũng rất khó khăn. 

    Đây là điều đã xảy ra ở ASIAD Quảng Châu 4 năm trước, nơi mà TTVN đã rất chật vật mới có 1 HCV karatedo, trong khi Thái Lan có 7 HCV, Malaysia có 6 HCV, Singapore có 4 HCV, Philippines cũng có 2 HCV. Tình hình hiện tại chưa có gì thay đổi, thậm chí ở nhiều môn, còn có sự tụt lùi.

    Cốt lõi của vấn đề là Tổng cục TDTT quá ôm đồm. “Điền kinh VN đã từng giành HCB, HCĐ tại ASIAD Quảng Châu 2010, nhưng thật khó để lặp lại thành tích đó tại ASIAD 2014, bởi chúng ta thiếu lực lượng kế cận. Cốt lõi của vấn đề là Tổng cục TDTT, ĐTQG ôm đồm, làm hết việc của địa phương. Các địa phương cứ có VĐV nào tốt là “ném” lên ĐTQG rồi ngồi đó “rung đùi” chờ lãnh huy chương, nên không lo đào tạo VĐV mới nữa. Vì vậy, chúng ta không có chân đế rộng, không có nền tảng ở địa phương. Tôi nghĩ đó cũng là căn bệnh chung của TTVN mà sắp tới phải triệt để sửa chữa” – một chuyên gia lâu năm trong ngành cho biết.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *