Di sản

UNESCO bổ sung 21 địa danh vào danh sách Di sản thế giới

UNESCO vừa nhất trí đưa vào Danh sách Di sản Thế giới thêm 21 địa danh trong số 27 đề cử.

Tại kỳ họp lần thứ 40 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhất trí công nhận thêm 21 địa danh là di sản thế giới, gồm 12 di sản văn hóa, 6 di sản thiên nhiên và 3 di sản kết hợp. Danh sách Di sản Thế giới hiện nay đã tăng lên 1.052 địa danh ở 165 quốc gia.

Dải vách đá Mistaken Point dài 16km nằm trên mũi đất đông nam của đảo Newfoundland bên bờ biển Canada có niên đại 500 triệu năm chứa bộ sưu tập hóa thạch lâu đời nhất thế giới
Dải vách đá Mistaken Point dài 16km nằm trên mũi đất đông nam của đảo Newfoundland bên bờ biển Canada có niên đại 500 triệu năm chứa bộ sưu tập hóa thạch lâu đời nhất thế giới

Các di sản mới được UNESCO công nhận thuộc các quốc gia như Trung Quốc với khu văn hóa nghệ thuật trên đá ở Zuojiang Huashan, Iran – hệ thống tưới tiêu cổ từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, Micronesia – thành phố đá cổ Nan Madol, Ấn Độ – Đại học Phật giáo Mahavihara Nalanda, Bosnia và Herzegovina, Croatia, Montenegro và Serbia chung một đề cử nghĩa trang mộ đá Trung Cổ Stecci, Tây Ban Nha – khu mộ đá Antequera. Ngoài ra, các địa danh tại Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, … cũng có tên trong danh sách này.

Vườn quốc gia Khangchendzonga, Ấn Độ
Vườn quốc gia Khangchendzonga, Ấn Độ

Các địa danh này phải đáp ứng đủ 10 tiêu chí mà UNESCO đề ra, như “đại diện cho kiệt tác sáng tạo của con người”, “chứa đựng vẻ đẹp thiên nhiên đặc biệt”, hay “là một ví dụ nổi bật về một kiểu nhà hoặc một quần thể kiến trúc”…
Các quốc gia thường dành nhiều năm để thuyết phục UNESCO thêm một điểm đến vào danh sách bởi sau đó điểm đến sẽ được chú ý bảo tồn nhiều hơn. Họ cũng phải chứng minh là họ đang nỗ lực bảo vệ di sản của đất nước mình và hỗ trợ tài chính cho các điểm đến đó.

Thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa Ennedi Massif, Chad
Thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa Ennedi Massif, Chad

Ngoài những địa danh mới, nhiều di sản cũng được cho vào danh sách “Di sản thế giới bị đe dọa” do ảnh hưởng từ các xung đột vũ trang, thảm họa thiên nhiên, thiếu nguồn lực tài chính và các quan ngại khác.
Cả năm di sản thế giới của Libya đều nằm trong danh sách bị đe dọa bởi những tổn hại mà các xung đột gây ra và những tổn hại tương lai. Năm địa điểm này là các di tích khảo cổ ở Cyrene, Leptis Magna, Sabratha, các bức vẽ thời tiền sử trên đá ở Tadrart Acacus và thị trấn cổ Ghadamès.

Ủy ban di sản thế giới UNESCO cũng đồng thời xếp vào danh sách di sản “bị đe dọa” thị trấn cổ Djenné ở Mali do tình hình an ninh bất ổn tại đất nước này; Trung tâm lịch sử Shakhrisyabz của Uzbekistan do sự phát triển quá mức các hạ tầng du lịch trong khu vực và Nan Madol, thành phố cổ duy nhất của thế giới xây dựng trên rạn san hô, nằm ngay ngoài khơi bờ biển phía Đông của đảo Pohnpei, Micronesia cũng được xếp vào danh sách bị đe dọa bởi các tác động tự nhiên.

Thành phố cổ Nan Madol, Micronesia được xếp vào danh sách bị đe dọa bởi các tác động tự nhiên
Thành phố cổ Nan Madol, Micronesia được xếp vào danh sách bị đe dọa bởi các tác động tự nhiên

Trong khi đó, Mtskheta, cụm công trình lịch sử Georgia – địa danh đã có tên trong danh sách di sản bị đe dọa từ năm 2009 đến nay lại được rút tên khỏi danh sách như một sự ghi nhận những nỗ lực bảo tồn của Georgia. Cụm di sản này bao gồm ba nhà thờ Trung cổ, tu viện Holy Cross cua Jvari, thánh đường Svetitskhoveli, tu viện Samtavro, và những di vật khảo cổ lớn còn lại.
Theo kế hoạch, kỳ họp lần thứ 40 của Ủy ban Di sản Thế giới sẽ diễn ra trong 11 ngày, từ ngày 10-17/7, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đã phải cắt ngắn 4 ngày làm việc do ảnh hưởng từ cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đêm 15/7 vừa qua. Do đó, Ủy ban này quyết định sẽ thảo luận những vấn đề còn bỏ dở tại một cuộc gặp bất thường dự kiến được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp). Dự kiến, kỳ họp tiếp theo của Ủy ban Di sản Thế giới sẽ được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 7 năm sau.

Danh sách bổ sung những di sản thế giới mới
• Antigua và Barbuda: Xưởng đóng tàu hải quân Antigua và các điểm khảo cổ có liên quan.
• Argentina, Bỉ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Sĩ: Các công trình kiến trúc của Le Corbusier – đóng góp xuất sắc cho trào lưu kiến trúc hiện đại.
• Bosnia và Herzegovina, Croatia, Montenegro, Serbia: Stećci – mộ đá thời trung cổ.
• Brazil: Pampulha Modern Ensemble một tổ hợp công trình hiện đại gồm hồ nước, nhà thờ, sân golf và phòng khiêu vũ.
• Canada: Mistaken Point, các vách đá ven biển.
• Chad: Thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa Ennedi Massif.
• Trung Quốc: Shennongjia, Hồ Bắc.
• Trung Quốc: Khu chạm khắc nghệ thuật trên đá của người Tráng trên núi Hoa Sơn.
• Hy Lạp: Khu khảo cổ Philippi.
• Ấn Độ: Khu khảo cổ Nalanda Mahavihara (đại học Nalanada) tại Nalanda, Bihar.
• Ấn Độ: Vườn quốc gia Khangchendzonga.
• Iran: Sa mạc Lut.
• Iran: Đường nước ngầm vịnh Persian.
• Iraq: Cụm di sản The Ahwar nam Iraq là vùng đa dạng sinh học và cảnh quan còn lại của các thành phố vùng lưỡng hà.
• Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan: Dãy núi lớn Thiên Sơn.
• Mexico: Quần đảo Revillagigedo.
• Micronesia: Trung tâm tưởng niệm Nan Madol, miền đông Micronesia.
• Tây Ban Nha: Mộ đá Antequera.
• Sudan: Công viên hải dương Sanganeb và vịnh Dungonab – công viên hải dương quốc gia đảo Mukkawar
• Thổ Nhĩ Kỳ: Khu khảo cổ thành phố Ani.
• Vương Quốc Anh: Quần thể hang động Gorham.

Bảo Hân

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *