Chưa được phân loại

Rộn ràng làng nghề mộc Phù Yên

Nghề mộc đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, đời sống của người dân làng Phù Yên ngày càng khá giả.

Thôn Phù Yên, xã Trường Yên hiện có 800 hộ với 3.800 nhân khẩu.Từ xa xưa, thôn Phù Yên còn có tên gọi là làng Bương. Bên cạnh nghề nông, người dân trong thôn còn làm nhiều nghề phụ như làm bún, làm mộc. Thông qua lao động, sáng tạo của nhiều thế hệ người dân trong thôn mà có những nghề đã được nâng tầm lên thành bí quyết và được nhân dân nhiều vùng quê tôn vinh với danh truyền như “ Làng bún Bương”, đối với nghề mộc thì được gọi với cái tên là “Thợ Bương”.

  

Một xưởng mộc ở thôn Phù Yên.

Nghề mộc của thôn Phù Yên có từ hàng trăm năm nay với nhiều nghệ nhân có tay nghề cao. Đến nay, toàn thôn có gần 400 hộ làm nghề mộc, chiếm gần 50% tổng số hộ, trong đó số lao động làm nghề mộc khoảng gần 600 người. Toàn thôn có khoảng 50 xưởng sản xuất lớn, trên 100 tổ hợp sản xuất tại gia đình. Sản phẩm mộc của Phù Yên đã đưa ra thị trường nhiều tỉnh, thành khắp cả nước với những sản phẩm độc đáo như: nhà cổ, đồ thờ, đồ gia dụng mang bản sắc riêng của người thợ làng Bương xưa và Phù Yên nay. Năm 2016 thôn Phù Yên đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống”.

Những năm trở lại đây, mỗi khi nhắc đến những ngôi nhà gỗ mang phong cách cổ điển chắc chắn phải nhắc đến những người thợ chuyên dựng nhà cổ tại làng Phù Yên. Nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của những khách muốn đặt dựng những ngôi nhà cổ với giá thành từ vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng. Ông Nguyễn Chí Điền năm nay hơn 70 tuổi, là người đi đầu trong việc làm nhà cổ ở thôn Phù Yên cho biết: Hiện nay xưởng sản xuất của gia đình chuyên nhận làm các công trình nhà cổ với thiết kế tinh xảo với đủ các loại hoa văn, họa tiết được đục khắc trên gỗ. Tất cả các chi tiết để dựng thành ngôi nhà cổ đều được sản xuất tại xưởng và sau đó được mang đi dựng và lắp ghép thành ngôi nhà hoàn chỉnh. Mỗi công trình nhà cổ tùy thuộc vào chất liệu gỗ có giá thành từ vài trăm triệu đến hàng tỷ, hàng trăm tỷ đồng.

Sản phẩm nhà cổ do những bàn tay tài hoa của những người thợ mộc làng nghề Phù Yên, xã Trường Yên.

Làng mộc Phù Yên không chỉ nổi tiếng với làm nhà cổ mà còn được mọi người biết đến là nơi sản xuất đồ thờ, đồ gia dụng nổi tiếng với các sản phẩm có mẫu mã tinh xảo và chất lượng cao. Anh Nguyễn Chí Đạt – Chủ xưởng sản xuất đồ thờ tại thôn Phù Yên cho biết: Xưởng của gia đình đã xây dựng được 20 năm. Hiện nay có khoảng hơn 10 thợ mộc đang làm việc tại xưởng với mức lương bình quân từ  9 – 12 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm đồ thờ được làm bằng gỗ rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, đặc biệt là chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm đồ thờ của xưởng có mặt hầu khắp các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Nghề mộc truyền thống ở thôn Phù Yên ngày càng phát triển. Tuy nhiên hiện nay làng nghề Phù Yên đang đối mặt với một số vấn đề đặt ra như: tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi mùn cưa, tiếng ồn của máy móc, các xưởng chật hẹp nên rất khó khăn cho quá trình sản xuất,  kéo theo đó đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để vật liệu gây cản trở giao thông.

Để duy trì, phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương, các hộ sản xuất trong thôn Phù Yên cần nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động, đầu tư các thiết bị tiên tiến hiện đại nhằm góp phần làm giảm đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, làng nghề mộc Phù Yên đang rất mong sớm có quy hoạch khu sản xuất tập trung để tạo điều kiện mở rộng mặt bằng nhà xưởng và đây cũng là giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông nông thôn trong khu dân cư.

                                                                                      Kim Thoa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *