Chưa được phân loại

5 phim chuyển thể xuất sắc của văn học thiếu nhi ai cũng phải xem một lần

Văn học thiếu nhi vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận của điện ảnh. Dù được kể dưới ngòi bút của tác giả hay bằng ngôn ngữ của điện ảnh, 5 tác phẩm này vẫn xuất sắc chinh phục hàng triệu độc giả, khán giả nhiều thế hệ.

Phù thủy xứ Oz

The Wizard of Oz – tên tiếng Việt: Phù thuỷ xứ Oz của nhà văn L. Frank Baum được xem là câu chuyện cổ tích vĩ đại và được yêu thích nhất trên đất Mỹ. Phiên bản chuyển thể điện ảnh ra đời năm 1939 cũng được liệt vào hàng kinh điển, được bình chọn là một trong 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại của Viện Hàn lâm, đồng thời chiến thắng 2 trong tổng số 6 đề cử Oscar.

Truyện phim xoay quanh cô bé Dorothy bị cơn lốc cuốn khỏi quê nhà Kansas rồi lạc tới xứ sở phép màu Oz – nơi muộn phiền tan biến như viên kẹo chanh, miền đất của những điều kỳ diệu, thú vật biết nói, thành phố thì dát lên mình toàn ngọc ngà châu báu. Nhưng không có nơi đâu bằng nhà. Dorothy lên đường tìm kiếm phù thủy tối thượng để có thể trở về Kansas. Trên hành trình ấy, cô bé gặp gỡ và đồng hành cùng Bù Nhìn rơm không não, Thợ Rừng Thiếc tốt bụng luôn ao ước một trái tim, Sư Tử to đầu mà nhát và chú chó Toto tinh nghịch. Đó cũng chính là cuộc phiêu lưu kỳ thú đi vào lịch sử văn học lẫn điện ảnh.

Năm 2013, một lát cắt thú vị khác của câu chuyện – bộ phim Oz the Great and Powerful (tựa Việt: Lạc vào xứ Oz: Vĩ đại và Quyền năng) với sự tham gia của dàn sao James Franco, Mila Kunis, Rachel Weisz và Michelle Williams ra mắt. Phim ghi dấu với lớp khán giả hiện đại qua phong cách làm phim mới mẻ, tính hài hước châm biếm và diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên thực lực.

Người Đẹp và Quái Vật

Người đẹp và Quái Vật là truyện cổ tích do nhà văn người Pháp Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve chắp bút và lần đầu ra mắt năm 1740. Một người lái buôn giàu có vô tình lạc vào khu vườn cấm kị của Quái vật – vốn là một hoàng tử bị nguyền rủa và nhận hình phạt giam cầm trong lâu đài lạnh lẽo. Belle, cô con gái út, cũng là cô gái xinh đẹp và nhân hậu nhất trong số 12 người con của ông chấp nhận thay cha ở lại bên Quái Vật. Dần dần, tình yêu của Belle cảm hóa Quái Vật và hóa giải lời nguyền, biến Quái Vật trở lại hình hài con người. Năm 1756, một nữ văn sĩ khác, Jeanne-Marie Leprince de Beaumont cũng viết lại câu chuyện một cách ngắn gọn, súc tích hơn.

Sớm đã thành công chinh phục độc giả từ hai thế kỷ trước, Người Đẹp và Quái Vật tiếp tục củng cố vị thế và tầm ảnh hưởng của mình qua hàng loạt chuyển thể sân khấu, kịch nghệ, truyền hình và điện ảnh, nổi tiếng nhất phải kể đến bộ phim hoạt hình âm nhạc của Walt Disney ra mắt năm 1991. Dựa trên cả hai phiên bản truyện của Villeneuve và Beaumont, đồng thời lược bỏ nhiều chi tiết dư thừa với mạch truyện cũng như thêm vào hàng loạt nhân vật thú vị, phim xuất sắc giành được 3 Quả Cầu Vàng, 2 giải Oscar và trở thành phim hoạt hình đầu tiên trong lịch sử được đề cử Oscar cho hạng mục Phim xuất sắc nhất.

Phiên bản live-action (người đóng) ra mắt năm 2017 với sự tham gia của Emma Watson cùng Dan Stevens, Luke Evans và Josh Gad cũng thành công vang dội.

Câu chuyện rừng xanh

Câu chuyện rừng xanh, tên Tiếng Anh: The Jungle Book là một tuyển tập truyện ngắn của nhà văn người Anh Rudyard Kipling. Nhân vật chính của bộ truyện là Mowgli – một em bé người Ấn Độ bị hổ đuổi bắt, chạy thoát và lọt vào hang Sói. Gia tộc sói cùng Gấu Baloo, Báo Đen Bagheera cùng nuôi dưỡng và dạy dỗ Mowgli để cậu bé có thể tự mình sinh tồn. Sau nhiều biến cố, bầy Sói và Mowgli bị Hổ Shere Khan đe dọa. Cậu bé rời khỏi bầy, trở về thế giới loài người để mang về “lửa” – thứ vũ khí có thể đánh bại Shere Khan.

Câu chuyện rừng xanh được nhiều lần chuyển thể thành phim truyền hình cũng như điện ảnh. Hai phiên bản điện ảnh ra mắt gần đây nhất, ghi dấu ấn với khán giả bằng cả nội dung lẫn kỹ xảo hình ảnh xuất sắc là bộ phim âm nhạc chuyển thể từ phiên bản hoạt hình của Disney – The Jungle Book (2016); và bộ phim Mowgli: Legend of the Jungle (2017) do Netflix phát hành với sự tham gia của Christian Bale, Cate Blanchett, Benedict Cumberbatch…

Gấu Paddington

Có thể nói, hai phần phim Paddington – tựa Việt: Gấu Paddington ra mắt khán giả năm 2014 và 2016 là những chuyển thể cực kỳ thành công của văn học thiếu nhi. Phần 1 nhận được cơn mưa lời khen của cả khán giả lẫn giới chuyên môn, đạt điểm đánh giá 97% trên Rotten Tomatoes. Phần 2 cũng xuất sắc nhận về số điểm 100% tuyệt đối hiếm hoi trên chuyên trang đánh giá này.

Bộ phim được chuyển thể từ hàng loạt cuốn sách của nhà văn người Anh Michael Bond. Chú gấu Paddington được gửi từ Peru và được gia đình Brown phát hiện ra khi ngồi trên chiếc vali cũ của mình ở sân ga, mặc chiếc áo khoác có gắn tờ giấy ghi “Xin hãy chăm nom cho chú gấu này”. Và rồi từ đó, Chú gấu có tên Paddington đã bước vào cuộc sống của gia đình Brown, và đồng thời bước vào cuộc sống của hàng chục triệu em nhỏ trên khắp thế giới.

Cậu bé người gỗ Pinocchio

Đứng thứ 5 trong danh sách những quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới, và đứng thứ 9 trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, tác phẩm 137 năm tuổi của nhà văn Carlo Collodi luôn có một chỗ đứng vững chãi trong trái tim hàng triệu độc giả.

Cậu bé người gỗ Pinocchio (2020) hé lộ hình ảnh cảm xúc của phim trong poster

Sang đến năm 2020 này, tác phẩm làm say lòng biết bao thế hệ này một lần nữa được đưa lên màn ảnh rộng với tựa đề Cậu bé người gỗ Pinocchio dưới sự nhào nặn của đạo diễn tài ba Matteo Garrone cùng sự tham gia của chủ nhân tượng vàng Oscar – Roberto Benigni.

Phim là câu chuyện về Pinocchio – chú bé người gỗ do bác thợ mộc Geppetto tình cờ tạo ra từ một khúc gỗ có phép màu. Được Geppetto nhận nuôi và đặt ở cậu nhiều kỳ vọng lớn lao, nhưng Pinocchio lại dễ dàng lạc lối, vướng vào hàng loạt rắc rối trong thế giới giả tưởng từ Vùng đất Đồ Chơi cho đến Cánh đồng Phép lạ. Người bạn trung thành của cậu là cô tiên xanh luôn cố gắng, nhưng liệu cậu có thể thay đổi bản thân và sống cuộc đời hạnh phúc vui vẻ bên người cha thân thương dưới hình hài của một cậu bé thực sự?

Bộ phim đã xuất sắc nhận được 12 giải thưởng và 15 đề cử tại các liên hoan phim Italy trong năm 2020 như Golden Globes và Italian National Syndicate of Film Journalists và David di Donatello của viện Hàn Lâm Ý.

Minh Châu

 

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *