Văn hóa cơ sở

Xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh ở thị xã Sơn Tây

Phát triển văn hóa xã hội, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh theo tinh thần Chương trình 04/Ctr-TU của Thành ủy ở thị xã Sơn Tây luôn được các cấp ủy, chính quyền thị xã Sơn Tây quan tâm.

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng và bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực… Để cụ thể hóa những nội dung trong Chương trình 04 của Thành ủy, Thị ủy Sơn Tây đã xây dựng Chương trình số 07- CTr/TU ngày 13/6/2016 về phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016- 2020.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đạt kết quả khả quan. Tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa đều đạt chỉ tiêu đề ra. Thị xã Sơn Tây đã xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh thanh lịch gắn với các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Đề án số 339/ĐA-UBND ngày 22/6/2017 về “Nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã giai đoạn 2017 – 2021” của UBND thị xã đã và đang thực hiện, đạt kết quả tốt. Hệ thống thiết chế văn hoá từ thị xã đến cơ sở được Sơn Tây quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới. Từ năm 2016 đến nay thị xã đã đầu tư 171,896 tỷ đồng; xây mới, cải tạo 42 công trình văn hóa cơ sở. Riêng xây dựng mới nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, đã thực hiện 16 công trình với số tiền 43,4663 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề án 9 công trình.

Đến thị xã Sơn Tây, đi trên các  tuyến đường: Đoài Giáp – xã Đường Lâm; Phú Nhi – phường Phú Thịnh; Vân Gia – phường Trung Hưng; Mó Mồi –  xã Cổ Đông; Tây Ninh –  xã Sơn Đông; Chùa Thông – phường Sơn Lộc; 416 – xã Kim Sơn; Thanh Mỹ – xã Thanh Mỹ; Nhân Lý – xã Xuân Sơn. Các tuyến phố: Bùi Thị Xuân – phường Quang Trung; Lê Lợi – phường Lê Lợi; Phù Sa – phường Viên Sơn; Ngô Quyền –  phường Ngô Quyền. Các tuyến ngõ: 46 – phường Trung Sơn Trầm; 98C – phố Hữu Nghị – phường Xuân Khanh…ai cũng cảm nhận được sự sạch sẽ, sáng sủa của các tuyến đường, phố, ngõ này. Sở dĩ vậy là do từ lâu nay người dân Sơn Tây đã tạo cho mình thói quen giữ gìn môi trường sạch, đẹp, không đổ rác, vứt rác bừa bãi. Mỗi sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần đều có rất đông người dân, lực lượng đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh hăng hái tham gia tổng vệ sinh môi trường. Không những thế, tại mỗi tổ dân phố (TDP), mỗi thôn làng của thị xã đều xây dựng Quy ước thực hiện nếp sống văn minh đô thị gửi đến các hộ dân, để mọi người cùng tự giác thực hiện. Trong các bản Quy ước đều có những quy định cụ thể, rõ ràng về việc thực hiện nếp sống văn minh. Sự chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn minh ở thị xã Sơn Tây thời gian qua được thể hiện rõ ở nhiều thôn làng, TDP, như thôn Kim Tân – xã Kim Sơn, xã Cổ Đông và các phường: Quang Trung, Trung Sơn Trầm, Lê Lợi, …

  

Môi trường thị xã Sơn Tây ngày càng xanh – sạch – đẹp.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội thu được nhiều kết quả. Các đám cưới hầu hết được tổ chức văn minh, tiết kiệm. Việc tổ chức đám tang văn minh hơn, hình thức lễ viếng gọn nhẹ, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ. Điển hình như xã Sơn Đông, cán bộ Đoàn Thanh niên xã tiên phong tổ chức lễ cưới tiệc trà; hàng chục đám cưới khác thực hiện theo tinh thần trang trọng, tiết kiệm. Thị xã Sơn Tây cũng là địa phương tích cực hưởng ứng cuộc thi “Viết về nếp sống văn minh, thanh lịch” do Sở Giáo dục và Đào tạo phát động.

 Đình Đông Sàng được tu sửa có tổng giá trị trên 10 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Sơn Tây giành giải Nhất Hội thi tìm hiểu Quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2019 của Hội Nông dân thành phố.

Quản lý và tổ chức lễ hội ở Sơn Tây luôn đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, danh lam được chú trọng. Năm 2016, lễ hội đền Và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Năm 2019, Di tích Làng cổ Đường Lâm được công nhận là Điểm du lịch cấp Thành phố. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm được chú trọng. Sơn Tây đã triển khai thực hiện dự án cấp đất giãn dân tại Làng cổ; thực hiện nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích, hạ tầng cơ sở tại Làng cổ. Sơn Tây đã thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích với tổng số tiền  trên 117,976 tỷ đồng và các dự án dân sinh khác với tổng số tiền trên 82,439 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử được thị xã triển khai tích cực. Tại trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã và các xã, phường, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đều niêm yết 2 Bộ Quy tắc ứng xử. Thị xã đã triển khai thực hiện 07 mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử; tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm tuyên truyền và ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức, viên chức toàn thị xã và cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, để tuyên truyền hiệu quả 2 Bộ Quy tắc ứng xử, nhiều hội thi, cuộc thi về Quy tắc ứng xử đã được Sơn Tây triển khai trong thời gian qua.

Quỳnh Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *