Triển lãm

Quốc kỳ, quốc ca, quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam

Quốc kỳ, quốc ca, quốc huy là những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa dân tộc. Đây là bộ 3 biểu tượng chính thức, thể hiện đầy đủ và súc tích về đất nước và con người Việt Nam, về cội nguồn, ý chí, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 1/9, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc triển lãm “Quốc kỳ, quốc ca, quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”.

Đại biểu và công chúng tham quan Triển lãm. Ảnh: moha.gov.vn

Gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quốc kỳ, quốc ca, quốc huy là những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa dân tộc. Đây là bộ 3 biểu tượng chính thức, thể hiện đầy đủ và súc tích về đất nước và con người Việt Nam, về cội nguồn, ý chí, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Quá trình ra đời của các biểu tượng Việt Nam là những câu chuyện đặc biệt, xuất phát từ thực tế hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam qua từng giai đoạn.

Bản in nhạc Quốc ca và hình ảnh cố nghệ sỹ Văn Cao – tác giả quốc ca Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm

Triển lãm gồm 4 phần. Phần I mang chủ đề “Quốc kỳ – Cờ đỏ sao vàng: khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam” với hình ảnh quốc kỳ trên thiệp thơ chúc Tết Kỷ Sửu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quốc kỳ Việt Nam tung bay tại trụ sở Liên hợp quốc năm 1977 – thời điểm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, cờ đỏ sao vàng năm 1945, Sắc lệnh số 5-SL ngày 5/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định quốc kỳ Việt Nam cùng phụ lục mẫu quốc kỳ kèm theo Sắc lệnh… Triển lãm cũng giới thiệu hình ảnh họa sỹ Bùi Trang Chước, tác giả mẫu quốc huy Việt Nam.

Phần II với chủ đề “Quốc ca: Giai điệu thiêng liêng, tự hào”, giới thiệu nhiều hình ảnh của cố nhạc sỹ Văn Cao, đặc biệt là hình ảnh của ông vào năm 1944, khi ông sáng tác bài Tiến quân ca; lưu bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viếng nhạc sỹ Văn Cao năm 1993; bản in nhạc và lời bài quốc ca Việt Nam năm 1956… Gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao cũng gửi tới Triển lãm bộ tem quốc kỳ, quốc ca và quốc huy Việt Nam.

Phần III, chủ đề “Quốc huy: Biểu tượng nhà nước Việt Nam” có hình ảnh đặc biệt là quốc huy trên viên gạch ở đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta; các bản phác thảo mẫu quốc huy của cố họa sỹ Bùi Trang Chước; Sắc lệnh ban bố mẫu quốc huy nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; quốc huy trên Hiến pháp…

Phần IV với chủ đề “Tự hào Việt Nam” giới thiệu các hình ảnh tư liệu trên các lĩnh vực.

Phác thảo mẫu quốc huy của cố họa sỹ Bùi Trang Chước

Với gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và một số tài liệu do gia đình cố họa sỹ Bùi Trang Chước, gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao, Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến và các cơ quan, các cá nhân cung cấp, Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, góp phần tôn vinh những biểu tượng dân tộc, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý hiếm.

Lương Châu

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *