Gia đình

Đầu tư thêm cho kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp các quốc gia đang phát triển tiết kiệm hơn 11 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm

Báo cáo mới của UNFPA cho thấy tiếp cận kế hoạch hóa gia đình là quyền cơ bản của con người mang tới những lợi ích chưa từng thấy cho quá trình phát triển kinh tế ​

Theo báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2012 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố ngày hôm nay, nếu các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện có sẵn để cung cấp cho tất cả mọi người ở các quốc gia đang phát triển thì sẽ giúp các quốc gia này giảm được  khoảng 11,3 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm cho các chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

DSC 0112

Kế hoạch hóa gia đình mang lại những lợi ích to lớn cho phụ nữ, gia đình và các cộng đồng trên toàn thế giới. Nhờ có kế hoạch hóa gia đình nên mọi người được lựa chọn số con mong muốn và khoảng cách giữa các lần sinh con, chính vì thế phụ nữ và con cái của họ sống khỏe mạnh hơn và lâu hơn. Báo cáo ước tính, nếu có thêm 120 triệu phụ nữ được tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, thì số trẻ sơ sinh tử vong trong năm đầu tiên của cuộc đời sẽ giảm đi khoảng 3 triệu.

 Tiến sỹ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA phát biểu tại lễ công bố báo cáo tại Luân-đôn: “Kế hoạch hóa gia đình mang lại tác động tích cực theo cấp số nhân đối với quá trình phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không chỉ giúp các cặp vợ chồng lựa chọn thời điểm sinh con và số con mong muốn, từ đó giúp các quốc gia thoát khỏi đói nghèo, mà còn là một trong các cách hiệu quả nhất giúp nâng cao vị thế cho phụ nữ. Những phụ nữ sử dụng các phương tiện tránh thai thường khỏe mạnh hơn, được học tập tốt hơn, có vị thế cao hơn trong gia đình và cộng đồng và tạo ra sản lượng kinh tế tốt hơn. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động tăng lên thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia”.

Báo cáo "Tình trạng Dân số thế giới năm 2012" kêu gọi các chính phủ, các tổ chức xã hội, các cơ quan cung cấp dịch vụ y tế và cộng đồng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền được tiếp cận tới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho tất cả phụ nữ bao gồm phụ nữ trẻ và chưa kết hôn.

Tuy nhiên, báo cáo nhận thấy nguồn tài chính dành cho kế hoạch hóa gia đình đã giảm và việc sử dụng các các biện pháp tránh thì hầu như không có gì thay đổi. Năm 2010, nguồn đóng góp từ các quốc gia tài trợ dành cho các dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản ở các nước đang phát triển đã giảm đi 500 triệu đô-la Mỹ.Trên toàn cầu, tỷ lệ sử dụng các phương tiện tránh thai đã tăng, nhưng chỉ tăng 0,1 phần trăm một năm trong vài năm vừa qua.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra các tiến bộ khả quan. Tại Hội nghị thượng đỉnh về Kế hoạch hóa gia đình được tổ chức tại Luân-đôn tháng 7 vừa qua, các quốc gia và tổ chức tài trợ đã cùng nhau cam kết đóng góp 2,6 tỷ đô-la Mỹ nhằm giúp cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho 120 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển đang có nhu cầu về KHHGĐ chưa được đáp ứng trong thời gian từ nay cho đến năm 2020. Bản thân các quốc gia đang phát triển cũng cam kết đóng góp 2 tỷ đô-la Mỹ.

Ở Việt Nam, số liệu từ Bộ y tế và các điều tra dân số khác cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ bằng việc lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào dịch vụ y tế phổ thông. Tuy nhiên, một số nhóm dân cư như vị thành niên, thanh niên và người chưa kết hôn, người di cư, người dân tộc thiểu số còn chưa tiếp cận được các dịch vụ và thông tin về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Do vậy, số trường hợp mang thai ngoài ý muốn vẫn tăng đáng kể, đặc biệt trong nhóm thanh niên và người chưa kết hôn.

Phát biểu tại buổi công bố "Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2012" tại Hà Nội, Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: “Đảm bảo tiếp cận kế hoạch hóa gia đình là bảo vệ quyền con người. Cần phải thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu của  dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, cần phải tập trung trước hết tới nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất – phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, thanh niên, thanh niên chưa kết hôn, người di cư và người dân tộc thiểu số".

Số liệu phân tích gần đây của điều tra đa chỉ số (MICS) do Tổng cục thống kê thực hiện cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về phương tiện tránh thai của phụ nữ đã kết hôn là 11,2 phần trăm và 34,3 phần trăm đối với phụ nữ chưa kết hôn. Nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai hiện đại là 29,4 phần trăm đối với phụ nữ đã kết hôn và 50,4 phần trăm đối với phụ nữ chưa kết hôn.

Để đảm bảo quyền tiếp cận kế hoạch hóa gia đình cho tất cả mọi người, Bà Mandeep K. O’Brien, Quyền Trưởng đại diện UNFPA kêu gọi: "Các chính phủ, tổ chức xã hội, các cơ quan cung cấp dịch vụ y tế và cộng đồng phải đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện cho tất cả những ai muốn sử dụng, bất cứ khi nào họ muốn sử dụng, đặc biệt là người nghèo và các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Các dịch vụ, cung ứng và thông tin kế hoạch hóa gia đình phải có chất lượng cao".   

Chúng ta đang tiến đến rất gần thời điểm cần phải đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015, chính vì vậy Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi chính phủ, cộng đồng quốc tế, các tổ chức xã hội và khối tư nhân cùng chung tay để nâng cao tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản bao gồm kế hoạch hóa gia đình và coi kế hoạch hóa gia đình tự nguyện như là một ưu tiên của chương trình phát triển.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *