Vui chơi - Giải trí

‘Tiệc trăng máu’ là câu chuyện của xã hội Việt Nam

Cán mốc 100 tỷ đồng doanh thu phòng vé, nhận được nhiều lời khen ngợi, bộ phim ‘Tiệc trăng máu’  đã thành công khi được Việt hoá tốt, phản ánh chân thực được xã hội và cuộc sống người Việt, theo lý giải của nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh.

Tiệc trăng máu được đón nhận vì là bản phim remake được Việt hoá tốt.

Là phim được kì vọng là cú hích giúp thúc đẩy thị trường điện ảnh Việt khởi sắc sau dịch bệnh, chỉ sau tuần thứ hai công chiếu, Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh đã chính thức cán mốc 100 tỷ đồng doanh thu phòng vé và nhận được “cơn mưa” lời khen từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng.
Tiệc trăng máu được làm lại từ Perfect Strangers (2016) – bộ phim Italy hiện nắm kỷ lục Guinness được remake nhiều nhất thế giới. Nhiều người nhận định phiên bản Việt tuy bám sát bản Hàn Quốc Intimate Strangers (2018) nhưng đã được Việt hoá một cách đầy chân thực và gần gũi.

Sức hấp dẫn của Tiệc trăng máu không chỉ đến từ dàn diễn viên nổi tiếng, bao gồm Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Thái Hòa, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Đức Thịnh với những màn hóa thân trọn vẹn mà còn bởi kịch bản phim hấp dẫn và gần gũi với người Việt.

“Khán giả Việt Nam luôn hào hứng với những câu chuyện drama gần gũi trong cuộc sống”

Với khán giả đại chúng, Tiệc trăng máu là tác phẩm tâm lý, hài hước hấp dẫn, bất ngờ, nhờ thừa hưởng những đặc điểm cơ bản của nguyên tác. Phim dẫn dắt khán giả vào câu chuyện một cách tự nhiên theo phong cách phim hài gia đình, tạo cảm giác thoải mái cho người xem. Tác phẩm căng thẳng, kịch tính nhưng không thiếu những chi tiết hài hước, trầm lắng. Khán giả bị cuốn theo diễn biến bất ngờ không ngừng nghỉ cho đến phút chót, cùng các nhân vật trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đầy biến động.

Phim có nhiều tình huống bi hài

Rất nhiều khán giả yêu thích và tỏ ra hào hứng trước câu chuyện đầy tính bi hài của phim. Sự gần gũi về đề tài trong Tiệc trăng máu là động lực chính khiến nhà sản xuất quyết tâm thực hiện bộ phim này và đó cũng là lý do chính khiến khán giả Việt Nam cảm thấy đồng cảm với câu chuyện phim.
Lý giải về sức hút của phim, nhà sản xuất của phim – Phan Gia Nhật Linh cho biết thực tế, khán giả Việt Nam luôn hào hứng với những câu chuyện đầy “drama” trên màn ảnh từ những chuyện như người thứ ba, đánh ghen, “bóc phốt” đến chuyện start-up, bán hàng đa cấp, làm giàu nhanh, hay chuyện khoe sự sang giàu, chuyện làm ăn đổ vỡ, rồi chuyện thị phi giới tính, chuyện bị hỏi han khi nào có gia đình, con cái,…

Đạo diễn Quang Dũng (trái) và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh (phải)

“Tất cả những chất liệu này đều có trong kịch bản phim gốc của Italy và bản phim remake của Hàn Quốc. Những câu chuyện này tưởng chừng chỉ có trên mặt báo nhưng tôi nghĩ nó hiện diện rất gần trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Trong những cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi không ít lần nghe chuyện người này người kia có bồ nhí, có “phòng riêng”, và nó trở thành một thứ “bình thường mới” mà với tôi – một người chưa có gia đình thấy thật kỳ lạ”, Phan Gia Nhật Linh tâm sự.
“Cả chuyện giới tính, bạn nghĩ rằng xã hội đã cởi mở hơn nếu nhìn vào thế giới showbiz, nhưng thật ra, với những người không thuộc giới showbiz thì việc tìm kiếm sự chấp nhận từ gia đình và bạn bè vẫn chưa hề dễ dàng”, nhà sản xuất Tiệc trăng máu nói thêm.

Câu chuyện của phim cũng là câu chuyện gần gũi với đời sống người Việt.

“Tiệc trăng máu thành công vì phản ánh chân thực xã hội Việt Nam”

Một yếu tố khác đem đến thành công lớn cho Tiệc trăng máu bên cạnh diễn viên chính là phần thoại rất Việt Nam, rất gần gũi, “đời” nhưng cũng rất “phim ảnh” của biên kịch tài năng Bình Bồng Bột. Dù là bộ phim được remake từ kịch bản gốc của phương Tây nhưng nó đã truyền tải được câu chuyện đúng chất của xã hội Việt Nam. Minh chứng là đông đảo khán giả Việt Nam đều soi thấy bản thân mình qua các nhân vật trong phim.


Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh tự tin dù được chuyển thể nhưng Tiệc trăng máu là một câu chuyện “rất Việt Nam”. Anh nhận định: “Tôi nghĩ dù được làm lại từ hai bản phim Ý và Hàn Quốc, nhưng kịch bản của Tiệc trăng máu có lẽ còn “Việt Nam” hơn cả nhiều kịch bản gốc của Việt Nam khác, bởi những giá trị hiện thực của nó”.

Sau sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả dành cho Tiệc trăng máu, nhà sản xuất có niềm tin hơn trong việc khai thác những câu chuyện trào phúng, châm biếm, vốn trước đó gặp rất nhiều sự nghi ngại.

Phan Gia Nhật Linh tự tin làm phim về thể loại trào phúng sau thành công của Tiệc Trăng Máu.
Phan Gia Nhật Linh kể rằng: “Ngay cả với Tiệc trăng máu, chúng tôi không dễ dàng trong việc thuyết phục các nhà đầu tư tham gia vì họ e ngại một câu chuyện có phần hơi u ám, lại thêm nhiều sự nhạy cảm người lớn có thể chạm đến được số đông. Dẫu Tiệc trăng máu mang rất nhiều tiếng cười, nhưng với tôi đây vẫn là một phim tâm lý xã hội. Vì vậy, thành công của Tiệc trăng máu về tình cảm của khán giả lẫn doanh thu phòng vé là một tín hiệu lạc quan”.


Đạo diễn Em là bà nội của anh cũng bật mí anh đang đang chuẩn bị cho hai bộ phim đều thuộc thể loại trào phúng châm biếm và càng tự tin hơn sau Tiệc trăng máu vì bộ phim đã chứng minh rằng dường như khán giả cũng rất thích những nội dung như vậy.

Các diễn viên toả sáng vì có được kịch bản chất lượng.

Ngoài ra, Phan Gia Nhật Linh cũng nhìn thấy rằng những diễn viên của Việt Nam nếu có được kịch bản tốt, có được vai diễn hay và nếu được đặt đúng chỗ, họ sẽ tỏa sáng. Bằng chứng là ở Tiệc trăng máu, rất nhiều khán giả bất ngờ với sự điềm đạm chín chắn của “soái ca” Hứa Vĩ Văn trong vai một người chồng, người cha nhún nhường, sự tinh tế đầy tình cảm của diễn viên Đức Thịnh trong vai Mạnh – vai diễn dễ bị rơi vào lối cường điệu hóa dẫn đến lố bịch và gây phản cảm với cộng đồng LGBT và đặc biệt là Thu Trang – một diễn viên hài nhưng lấy được không ít nước mắt của khán giả.

Tiệc trăng máu hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Phương Linh

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *