Chưa được phân loại

ĐỘC ĐÁO CHUỒN CHUỒN TRE THẠCH XÁ

Chuồn chuồn có cánh thì bay Có con bé nhỏ thò tay bắt chuồn   Hình ảnh chuồn chuồn dập dờn bên bờ ao, hay dưới lũy tre làng gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em vùng nông thôn luôn vọng lại trong ký ức mỗi người, nay, những người thợ […]

Chuồn chuồn có cánh thì bay
Có con bé nhỏ thò tay bắt chuồn

 1

Hình ảnh chuồn chuồn dập dờn bên bờ ao, hay dưới lũy tre làng gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em vùng nông thôn luôn vọng lại trong ký ức mỗi người, nay, những người thợ tài hoa ở xóm chùa Tây Phương, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) đã sử dụng nguyên liệu bằng tre để tạo ra những chú chuồn chuồn sinh động, đáng yêu, có thể “đậu” lên mọi vật chỉ bằng cái mỏ khiến nhiều người ngỡ ngàng, thích thú.

Với trẻ con, chuồn chuồn tre là một trò chơi thú vị; với người lớn, chuồn chuồn là món đồ trang trí đẹp mắt cho tổ ấm của mình; với người con xa xứ và bạn bè quốc tế, chuồn chuồn là món quà giản dị, chất chứa tình quê, sản phẩm chuồn chuồn tre Thạch Xá nhờ thế được nhiều người biết đến. Trời nắng  như đổ lửa, nhưng sức hấp dẫn của chuồn chuồn tre đã thôi thúc tôi tìm về Thạch Xá thăm thú, tìm hiểu. Gặp anh Nguyễn Văn Tái – người đã gắn bó với chuồn chuồn hơn 10 năm, đang thoăn thoắt vót tre nhưng anh vẫn niềm nở chia sẻ “bí quyết” làng nghề. Theo như lời anh Tái thì làm chuồn chuồn việc quan trọng  đầu tiên là khâu chọn chất liệu tre. Mặc dù địa phương có trồng nhiều tre nhưng để bảo đảm độ mềm, dẻo, bền của tre, anh Tái cùng các hộ làm chuồn chuồn cất công lên tận Hòa Bình, Hà Giang, Vĩnh Phúc…nhập nguyên liệu về.  Sau khi cạo lớp vỏ bên ngoài, tre được phơi sấy để tránh ẩm mốc. Tiếp đó, tre được chẻ thành từng nan nhỏ, tùy theo kích cỡ của chuồn chuồn mà ghép các phần: thân, cánh.  Khó nhất trong quá trình tạo hình chuồn chuồn chính là vót đuôi và uốn phần đầu hơi cong sao cho khi đặt xuống mặt phẳng, chú chuồn chuồn trông giống như thật. Muốn chú chuồn chuồn đậu cân bằng, không bị nghiêng vẹo, người thợ phải tính toán sao cho chiều dài, chiều rộng của thân, cánh được cân đối. Kế đó phải dán cánh chuồn chuồn thật chắc bằng keo.

Để chuồn chuồn thêm đẹp, hấp dẫn, những người thợ làng nghề đã trang trí lên chuồn chuồn các hoa văn, họa tiết bắt mắt, mỗi con chuồn chuồn là một bức tranh sinh động mang đậm hồn quê Việt, vì thế chuồn chuồn Thạch Xá luôn có sự thu hút, sức hấp dẫn riêng. Không chỉ có chuồn  chuồn, với đôi bàn tay khéo léo những người thợ Thạch Xá còn sáng tạo ra những con bướm, chim, rùa, bồ câu… từ tre với đủ kích cỡ, mầu sắc đáp ứng thị hiếu khách hàng. Tuy nhiên, theo anh Tái, chuồn chuồn vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều vị khách. Về Thạch Xá dịp hè, thấy khách tấp nập vào ra chiêm ngưỡng các nghệ nhân thao diễn nghề cũng như đến đặt hàng cho sản phẩm, thấy không khí làng quê nhộn nhịp hẳn lên. Nguồn thu từ mặt hàng tưởng như “quê kiểng” này đã giúp cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo. Tùy theo kích cỡ của nan tre mà chuồn chuồn có độ dài thân khác nhau: 10cm, 12cm, 15cm, 18cm. Nhìn những đôi bàn tay người thợ thoăn thoắt vót vót, sơn sơn, dính các bộ phận lại với nhau mới cảm nhận được công sức bỏ ra cho mỗi chú chuồn chuồn không hề nhỏ. Nhờ sự cân bằng của đôi cánh mà chuồn chuồn có thể tự đậu trên ngón tay, cành cây hay mép bàn như chuồn chuồn thật. Đây chính là nét độc đáo của chuồn chuồn tre Thạch Xá. Chỉ từ 2.000 đến 50.000 đồng, khách hàng có thể lựa chọn được con chuồn chuồn (tùy kích cỡ) mình yêu thích.

2

Người thợ làng nghề Thạch Xá chăm chú vẽ hoa văn cho chuồn chuồn

Chuồn chuồn tre giản dị mà sáng tạo, là sản phẩm thú vị của làng quê Thạch Xá. Hiện nay, chuồn chuồn tre là món quà lưu niệm trong lễ hội truyền thống chùa Tây Phương. Chuồn chuồn mang thương hiệu Thạch Xá còn đến hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ, trong các gian hàng lưu niệm, khu vui chơi giải trí trên khắp mọi miền đất nước và chinh phục cả những thị trường khó tính như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Thụy Điển. Những năm gần đây, nhiều gia đình ở Thạch Xá đã phối hợp với một số tổ chức xã hội: Trung tâm nghiên cứu và bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi… thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Nhiều người ở nơi xa cũng đến Thạch Xá tìm hiểu, học nghề.

Bằng sản phẩm thủ công độc đáo, những người thợ lành nghề xóm chùa Tây Phương đã thật sự đóng góp cho thế giới tuổi thơ một món đồ chơi thú vị, mang dấu ấn làng quê Việt Nam thơ mộng, yên bình. Thật vui khi lớp lớp trẻ em Thạch Xá ngoài thời gian học tập đã miệt mài, say sưa tạo ra những chú chuồn chuồn hấp dẫn, góp phần “chắp cánh ước mơ” để chuồn chuồn tre Thạch Xá mãi mãi “bay cao, bay xa”.

Sông Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *