Theo luật định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) có trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử ĐBQH, ĐBHĐND các cấp được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật và an toàn.
Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2021.
Quá trình tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 05 bước, gồm:
Bước 1: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất để thỏa thuận về cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND .
Bước 2: Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND.
Bước 3: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ Hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND
Bước 4: Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri tại nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND
Bước 5: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ Ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND.
Tại Hà Nội, ngày 05/2/2021 đã diễn ra Hội nghị hiệp thương lần 1. Hội nghị hiệp thương lần 2 đã kết thúc trước ngày 19/3/2021. Hội nghị hiệp thương lần 3 kết thúc vào ngày 16/4/2021.
Việc thực hiện các bước trong bầu cử ở Hà Nội thực hiện đúng trình tự, đúng luật, đúng thời gian đã đề ra và đạt nhiều kết quả. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công 436 Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XV, ĐBHĐND nhiệm kỳ 2021-2026 các cấp bảo đảm đúng quy trình, đúng luật. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu đại biểu ứng cử đã tiến hành đầy đủ nội dung của bước hai, quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH khóa XV, ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Khi tổ chức các hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND tại nơi cư trú (bước 2 và bước 4) được tiến hành dân chủ, thành phần, số lượng cử tri tham gia hội nghị đúng quy định của pháp luật. Các cử tri tham dự hội nghị đều nhất trí cao với dự kiến người ứng cử và thể hiện sự tín nhiệm với những người đó. Các biểu mẫu báo cáo, biên bản hội nghị được lập đúng với quy định của pháp luật về bầu cử. Các hội nghị lấy ý kiến hầu hết là giơ tay biểu quyết.
Danh sách bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội lần thứ XVI gồm 188 người. Trong đó, trình độ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên chiếm 19,15%; thạc sĩ chiếm 46,81%; đại học, cao đẳng chiếm 31,91%. Về cơ cấu, nữ chiếm 40,43%; tuổi trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 21,81%; đảng viên chiếm 87,77%; người ngoài Đảng chiếm 12,23%.
Đối với đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã, thị trấn, tại 30 quận, huyện, thị xã, Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ Hai để thỏa thuận danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện.
Tính đến ngày 8/4/2021, tổng số hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của thành phố Hà Nội là 72 hồ sơ (đến ngày 26/3, đã có 2 ứng cử viên xin rút, hiện còn 70 hồ sơ). Tổng số hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI là 188 hồ sơ (tính đến ngày 26/3 đã có 4 người xin rút, hiện còn 184 hồ sơ)…Thành phố Hà Nội dự kiến bầu 29 Đại biểu Quốc hội khóa XV, gồm 14 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 15 đại biểu do địa phương lựa chọn, giới thiệu. Hà Nội là đơn vị có số đại biểu nhiều thứ 2 trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh).
TTTL