Nhóm Đại Việt Cổ Phong ra đời với mong muốn gìn giữ, tôn vinh và quảng bá văn hóa Việt Nam. Đại Việt Cổ Phong cũng là nơi gặp gỡ của những bạn trẻ yêu mến và mong muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc.
Đại Việt Cổ Phong thành lập năm 2014 bởi các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hoá cổ Việt Nam và mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác nhất. Tên gọi “Đại Việt Cổ Phong” ý nói tới văn hóa, phong thái cổ của nước Việt lớn. Đại Việt ở đây không phải tên quốc hiệu mà với ý nghĩa là một nước Việt lớn có văn hóa lớn. Nhóm hướng tới hai mục tiêu chính, thứ nhất là nghiên cứu và phổ biến kiến thức về văn hoá xác thực của Việt Nam từ triều Nguyễn trở về trước. Để thực hiện mục tiêu này, nhóm Đại Việt Cổ Phong tạo ra các diễn đàn để làm nơi trao đổi và chia sẻ tư liệu, kiến thức về lịch sử, văn hoá Việt Nam. Đó là nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu thứ hai – phỏng dựng, phục dựng văn vật của Việt Nam từ triều Nguyễn trở về trước qua nhiều phương tiện như tranh vẽ, mô hình, phim ảnh, cosplay… để công chúng có thể hình dung được về người Việt xưa.
Nhóm Đại Việt Cổ Phong đã thực hiện các nghiên cứu trải dài từ kiến trúc, trang phục, sinh hoạt đến mảng văn hóa phi vật thể như phong tục, tập quán, âm nhạc, tín ngưỡng và đặc biệt chuyên sâu mảng phục chế trang phục cổ. Nhóm đã thực hiện dự án mang tên “Việt Nam cổ phục” với mong muốn giúp công chúng tiếp cận được các loại hình trang phục Việt xưa bằng những hình ảnh bắt mắt, đầy tính thẩm mỹ, đậm đà bản sắc Việt và chân thực với lịch sử. cung cấp cho cộng đồng nguồn tư liệu để sử dụng trong các dự án liên quan đến văn hóa, lịch sử của người Việt xưa. Đại Việt Cổ Phong đã tạo tiếng vang với việc phục dựng thành công trang phục của người Việt thời Lê và Nguyễn – Áo Giao Lĩnh.
Tranh vẽ tái hiện trang phục của công chúa và hoàng tử triều Nguyễn xưa.
Năm 2015, Đại Việt Cổ Phong thực hiện dự án “Hoa văn Đại Việt” – một dự án gây quỹ cộng đồng nhằm sử dụng công nghệ đồ họa vector để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ của Việt Nam, bao gồm hoa văn thời Lý – Trần, thời Lê và thời Nguyễn nhằm cung cấp cho cộng đồng sáng tạo nghệ thuật. Ý tưởng xuất phát khi họa sĩ Cù Minh Khôi, một trong những thành viên sáng lập nhóm tham gia thiết kế phục trang cho bộ phim truyền hình “Phật hoàng Trần Nhân Tông”. Những ngày đầu triển khai dự án, các thành viên trong nhóm phải tới các ngôi đền, chùa cổ hay các viện bảo tàng trên khắp cả nước để tìm hiểu và sưu tầm, sau đó vẽ lại bằng công nghệ vector. Đến cuối năm 2016, cuốn sách “Hoa Văn Đại Việt” được xuất bản với khoảng 250 mẫu, đi kèm là các thông tin chi tiết về ý nghĩa của hoa văn, tính biểu tượng, niên đại của hiện vật. 250 mẫu hoa văn Đại Việt ấy cũng được nhóm từng bước đưa vào cuộc sống hiện đại qua các sản phẩm có tính ứng dụng như áo phông, lịch để bàn, bao lì xì, móc chìa khóa, ốp lưng điện thoại… Nhóm Đại Việt Cổ Phong cũng đã chia sẻ miễn phí 200 vector hoa văn được số hóa để cộng đồng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như thiết kế, đồ họa…
Hoa văn Việt cổ trên các sản phẩm ứng dựng trong đời sống hiện đại.
Trang fanpage chính thức của nhóm: “Đại Việt Cổ Phong – 大越古風 – Vietnam Ancient cũng như nhóm cộng đồng cùng tên trên mạng xã hội facebook hiện thu hút hơn một trăm ngàn người theo dõi và tham gia. Đại Việt Cổ Phong đã đưa lịch sử, nét đẹp văn hóa dân tộc đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ bằng góc nhìn mới và hiện đại, giúp những người trẻ dễ dàng tiếp cận để thêm hiểu và thêm yêu văn hóa, lịch sử dân tộc.
Các thành viên nhóm Đại Việt Cổ Phong trong trang phục của người Việt cổ.
Sau thành công của những người tiên phong – Đại Việt Cổ Phong, phục hưng văn hóa cổ trở thành một trào lưu, từ đó đến nay đã xuất hiện thêm nhiều nhóm bạn trẻ có chung một niềm đam mê với văn hóa cổ, khát khao và tràn đầy nhiệt huyết để tiếp nối và lan tỏa những giá trị tinh hoa của dân tộc.
Ngân Hà. Ảnh: Đại Việt Cổ Phong.