Di sản

Chùa Huy Văn và sự hiếu hạnh của một minh quân

Chùa Huy Văn toạ lạc trên đất làng Huy Văn, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Xưa kia còn gọi là chùa Hoa Văn vì nằm cạnh bến đò Hoa của sông Kim Ngưu và hồ Văn Chương. Nay chùa mở ở 2 ngõ Văn Chương và Huy […]

Chùa Huy Văn toạ lạc trên đất làng Huy Văn, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Xưa kia còn gọi là chùa Hoa Văn vì nằm cạnh bến đò Hoa của sông Kim Ngưu và hồ Văn Chương. Nay chùa mở ở 2 ngõ Văn Chương và Huy Văn, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Huy Văn được nhiều người biết đến bởi nơi đây vua Lê Thánh Tông được sinh ra và lớn lên.

Văn bia “Huy Văn điện Dục Khánh tự bi ký” dựng ngoài hiên điện Huy Văn ca ngợi rằng đây là ngôi chùa hội tụ nhiều linh khí nhờ đức Càn Khôn, được khí thiêng hun đúc và có điềm ngôi sao lớn tựa cầu vồng hiện trên bến Hoa, ánh chớp sáng lòe ngoài đồng nội…

Chùa Huy Văn được xây dựng từ thời vua Lê Thái Tông, đã được hơn 500 năm, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc “tiền Thần hậu Phật” (phía trước là điện thờ thần, phía sau là chùa thờ Phật).

Điện thờ vua Lê Thánh Tông ở chùa Huy Văn

Xưa kia, chùa Huy Văn dựng theo hướng Tây Nam, phía trước là khoảng sân hẹp. Nay, chùa được xây dựng theo hình chữ “Đinh”, gồm 5 gian Tiền Đường, 3 gian Thượng Điện. Ngoài ra chùa còn khu nhà Tổ 3 gian, vườn Tháp và nhà Giảng Kinh. Trong Phật điện có nhiều lớp tượng, lớp trên cùng bày 3 pho tượng Tam thế. Lớp thứ hai ngồi chính giữa là tượng Lê Thái Tông, xung quanh Vua có tượng bốn vị tứ trụ triều đình. Lớp thứ ba đặt tượng Quán thế âm nghìn mắt nghìn tay. Lớp thứ tư bài trí tượng Cửu Long ở giữa, bên trái là tượng Quán thế âm tống tử, bên phải có tượng thân mẫu của vua Lê Thánh Tông. Lớp thứ năm đặt tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ – 2 người đã có công phò trợ, bảo vệ mẹ con vua Lê Thánh Tông thuở hàn vi…

Chùa, đền và điện Huy Văn ngoài tính tôn giáo còn mang tính vương quyền nên cách bài trí khác hẳn chùa, đền và điện nơi khác, điển hình là thờ Phật, thờ vua và các quan triều đình. Nhắc đến Chùa và điện Huy Văn là nhắc đến một thời kỳ sóng gió của triều Lê và tấm lòng nhân nghĩa, hiếu thuận của Vua Lê Thánh Tông – Một trong những vị Vua trị vì lâu nhất và anh minh nhất trong các vị Vua Việt Nam.

Khi ấy, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đang mang thai và bị thất sủng, buộc phải đi đày nơi xa. Nhờ Nguyễn Xí và Nguyễn Trãi xin cho, bà đã được ra một ngôi chùa làng trú ngụ và sinh con ở đó. Người con trai này là Lê Tư Thành, sau trở thành Vua Lê Thánh Tông. Sau khi Lê Thái Tông mất trong vụ án Lệ Chi Viên đầy oan nghiệt liên quan tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ đã khiến gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, triều đình nhà Lê đã trải qua những biến cố trọng đại trong nội bộ hoàng thất. Lê Thánh Tông lên ngôi đã dẹp yên những mâu thuẫn trong hoàng tộc. Sau gần 40 năm trị vì, ông đã đưa nước ta trở thành 1 quốc gia hùng mạnh trong khu vực, Nhân dân ấm no, thanh bình; văn hóa – xã hội, quân sự phát triển; pháp luật được đề cao, với bộ Luật Hồng Đức – 1 bộ luật được coi là đầy đủ và nhân văn nhất của xã hội Việt Nam thời phong kiến. Ngoài vai trò là vị vua anh minh, một nhà chính trị xuất sắc, Lê Thánh Tông còn được biết đến với vai trò là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn, chủ soái hội Tao Đàn “nhị thập bát tú” còn lưu truyền đến ngày nay.

Cổng cổ của chùa Huy Văn.

Chùa Huy Văn còn có tên Dục Khánh tự. Sở dĩ vậy là do khi Vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã cho tu sửa chùa khang trang và đổi tên nhằm ý nghĩa đây là nơi sinh ra và dưỡng dục mình. Là một người tài giỏi, đức độ và hiếu thảo, nhà vua đã tôn mẹ làm Quang Thục hoàng thái hậu và xây điện Huy Văn ở ngay sân trước chùa để mẹ ở và tu hành. Khi bà mất, Lê Thánh Tông lại cho tạc tượng, đúc chuông và thờ mẹ ở điện Huy Văn.

Từ bao đời nay, ghi nhớ công lao với dân, với nước và tấm lòng hiếu thảo của một người con, cứ đến ngày đức Vua Lê Thánh Tông băng hà 30 tháng Giêng (03/3/1497), dân làng Văn Chương  xưa, phường Văn Chương ngày nay lại tổ chức tưởng niệm trọng thể, rước kiệu lên đền thờ Vua ở phố Hàng Hành. Cũng vậy, ngày 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, ngày bà Ngô Thị Ngọc Dao mất, dân làng lại tổ chức làm giỗ bà, nhớ ơn một người mẹ đã sinh thành cho kinh thành Thăng Long và đất nước một người con đức độ, một vị Vua anh minh, tài kiệt. Đền Huy Văn thờ mẹ Lê Thánh Tông, điện Huy Văn lại là nơi nhân dân thờ vị Vua anh minh này.

Năm 1996 cụm di tích đền, chùa, điện Huy Văn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Từ năm 2011-2013, do bị xuống cấp nên UBND quận Đống Đa đã đầu tư 23 tỷ đồng trùng tu, nâng cấp cụm di tích chùa, đền và điện Huy Văn.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *