Ngày 03/6/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 138/KH-UBND về Thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Quyết định số 23); Căn cứ tình hình triển khai, kết quả thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội 2013-2020 và tình hình thực tế, UBND TP hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Kế hoạch).
Mục tiêu chung của Kế hoạch là đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn lực có chất lượng cho phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Kế hoạch của đề ra 4 nhóm mục tiêu với 23 chỉ tiêu. Đó là: Mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng cho trẻ em với 7 chỉ tiêu như: Tỷ lệ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện theo độ tuổi, giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ suy dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin…
Mục tiêu về bảo vệ trẻ em với 7 chỉ tiêu đặt ra về: Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn…; Tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký khai sinh…
Mục tiêu về giáo dục, văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em với 7 chỉ tiêu về các vấn đề: Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo đúng tuổi, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở…
Mục tiêu về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em với 3 chỉ tiêu như: Tỷ lệ trẻ em được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em, tỷ lệ trẻ em được nâng cao kiến thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em…
Cùng với đó, Kế hoạch cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Bảo đảm việc lồng ghép và gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch này với thực hiện các Kế hoạch liên quan đến trẻ em đang được UBND Thành phố chỉ đạo với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương, đơn vị. Đồng thời, cần ưu tiên cho khu vực miền núi, địa bàn khó khăn, các nhóm trẻ ẹm có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Kế hoạch cũng đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, đề xuất, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trẻ em bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền trẻ em và giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề trẻ em.
Phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em. Hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em mang tính toàn cầu và khu vực.
Vận động nguồn lực và xã hội tham gia vào các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, than tra, giám sát; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng đối với tâp thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Kế hoạch.
Kế hoạch Thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 là nhằm nâng cao nhận thức và cam kết trách nhiệm, hành động của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng, gia đình và chính trẻ em trong việc thực hiện Luật Trẻ em và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết có liên quan đến trẻ em.
PV