Di sản – Bảo tồn

Cần giữ nguyên vị trí miếu Thổ thần trong tôn tạo di tích đền Đống Nước, quận Ba Đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành văn bản số 2109/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Đống Nước, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Đền Đống Nước. Ảnh: Internet.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Đống Nước, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình với nội dung: Tu bổ Nghi môn, đền chính; tôn tạo Tam bảo, nhà thờ Chúa bà Ngọc Nương, lầu Cô, lầu Cậu, miếu Thổ thần, am hóa vàng; xây dựng lại nhà đón tiếp – sắp lễ – thủ từ, nhà ăn, nhà bếp – kho, nhà vệ sinh và hạ tầng kỹ thuật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, đối với mặt bằng tổng thể tu bổ, tôn tạo: Cần giữ nguyên vị trí miếu Thổ thần; hoán vị lầu Cô, lầu Cậu; chuyển nhà đón tiếp – sắp lễ – thủ từ sang phía đối diện; bổ sung cây xanh cách ly nhà vệ sinh để tránh ảnh hưởng gió Đông Bắc. Đối với việc tu bổ, tôn tạo đền chính: Cần bảo tồn, lắp dựng lại tối đa cấu kiện cổ, cũ của công trình.
Bên cạnh đó, am hóa vàng chỉ làm 01 tầng mái để giảm chiều cao và không tương đồng với kiến trúc miếu Thổ thần. Đồng thời hồ sơ cần bổ sung nhà bao che phục vụ thi công đền chính, Tam bảo và nhà bảo quản cấu kiện, hiện vật nội thất của di tích, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Đền Đống Nước tương truyền có từ thời Trần, được đại trùng tu vào thời Nguyễn, bên trong thờ Ngọc Nương công chúa và Tam tòa Thánh Mẫu, địa chỉ ở ngõ 173 ngách 63 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Tương truyền làng Ngọc Hà xưa kia có những cột nước từ dưới đất phun thành từng đống, vì vậy dân ở đây đã lập đền thờ và gọi là đền Đống Nước. Thuyết phong thuỷ cho rằng thế đất nằm trên vòi con rồng nên mỗi khi trở trời nước lại phun ra.
Bản ngọc phả trong đền chép rằng nơi đây có một người con gái là Bạch Ngọc Nương sinh ra vốn khác thường. Khi nàng hoá vào ngày 17 tháng Tám, trời tối sầm, mưa to, nước sông dâng. Từ đó, đất này có nước phun, dân thấy linh thiêng bèn lập miếu thờ. Đến đời Trần Nhân Tông (1279-1293), khi vua dẫn quân đi đánh giặc Nguyên đã nghỉ tại đền và mộng thấy người con gái tự xưng là con của Long Vương xin theo để ngầm giúp đánh giặc. Khi trở về, vua cho dân ở trại Đống Nước tu sửa miếu thờ, phong thần hiệu là “Nữ Bạch Ngọc Hồ, thuỷ thần lân tinh công chúa”.
Hiện trong đền còn giữ được cuốn ngọc phả soạn năm 1572, hai sắc phong và một khoán ước. Hàng năm vào dịp Ngọc Nương công chúa sinh và hoá, nhân dân ở đây tổ chức lễ hội. Đám rước đi từ Đống Nước sang làng Liễu Giai, làm sớ dâng tên đầy đủ những suất đinh trong làng, lại làm cỗ để tế lễ, rồi sau đó mời dân làng thụ lộc.
Ngày 11/5/1993, đền Đống Nước đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

VH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *