Di sản – Bảo tồn

Phục dựng toà Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu: Thêm một không gian văn hoá cho Hà Nội

Công trình phục dựng toà Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu hoàn thành sẽ mang lại một cơ sở hạ tầng cho hồ Văn trong việc thúc đẩy vấn đề phát huy giá trị di tích. Khi dự án hoàn thành, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch cho các hoạt động văn hóa tại đây nhằm đưa đến cho người dân và du khách một không gian, trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng.

Sau hơn 4 năm kể từ ngày Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đồng ý thoả thuận chủ trương phục dựng toà Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn (di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám), cho đến nay, dự án phục dựng toà Phường đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn (Văn Miếu) mới được chính thức tiến hành.

Phương án phục dựng toà Phương đình trên gò Kim Châu.

Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trên địa bàn phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội có tổng diện tích khoảng 54.331m2, bao gồm các khu vực: Nội tự, vườn Giám và hồ Văn. Cùng với vườn Giám, các công trình kiến trúc cổ kính khác của di tích, hồ Văn là bộ phận quan trọng, không thể tách rời của quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hồ có vai trò như một “Minh đường” án ngữ ngay trước mặt khu di tích. Kiến trúc Hồ hiện nay bao gồm khu vực mặt hồ (giữa hồ có gò Kim Châu) và một khu vườn nhỏ ngăn cách giữa mặt hồ với đường Quốc Tử Giám và khu nội tự của di tích.
Thời Lê, trên gò Kim Châu có dựng Phán Thủy Đường là nơi tụ họp bình văn, đọc thơ của các sĩ phu Bắc Hà. Đến thời Nguyễn nơi đây lại dựng đình ngói giữa hồ. Vì vậy thời kỳ này hồ còn có tên là Văn Hồ Đình.
Tuy nhiên, giai đoạn trước những năm 1940, khu vực hồ Văn đã bị tách ra khỏi địa phận của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và bị xâm phạm nghiêm trọng do quá trình trao trả quyền quản lý di tích Văn Miếu từ tỉnh Hà Đông cho Hà Nội. Tháng 5/1940, hồ Văn mới được trả về cho di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sự kiện này đã được ghi lại trên tấm bia “Hoàn Văn hồ bi” do Cử nhân khoa Quý Mão, Tổng đốc trí sĩ Hoàng Huân Trung soạn năm Bảo Đại 17 (Năm 1942). Tấm bia này được tìm thấy khi tiến hành cải tạo, nạo vét hồ Văn ngày 12/02/1998, hiện nay bia này vẫn dựng trên gò Kim Châu. Trong tiến trình lịch sử với nhiều biến cố thăng trầm, hồ Văn đã bị bỏ hoang đồng thời bị lấn chiếm nghiêm trọng.
Từ năm 2016 đến nay, nhằm phát huy giá trị di tích đồng thời đẩy mạnh việc kết nối với khu vực nội tự, các hoạt động văn hoá – nghệ thuật đã được đẩy mạnh thực hiện tại hồ Văn như Hội chữ Xuân, hoạt động Sĩ tử nhí dành cho các em học sinh, Hội sách, không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống… Các hoạt động đã thu hút được đông đảo người dân và du khách. Tuy nhiên vẫn chưa phát huy hết được giá trị của hồ Văn, chưa tương xứng với tiềm năng của một di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2017, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đồng ý về việc thoả thuận chủ trương phục dựng tòa Phương đình trên gò Kim Châu thuộc hồ Văn nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di tích, trả lại một phần quan trọng với đúng chức năng và vị trí vốn có trong tổng thể di tích. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2021, dự án mới bắt đầu được tiến hành thực hiện do dịch bệnh, đặc biệt là để nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc di dời gian thờ trên gò Kim Châu – một thành phần tự phát được xây dựng tạm bợ, không phù hợp với phong cách kiến trúc truyền thống cũng như kiến trúc chung của khu vực di tích, làm sai lệch các giá trị vốn có của tổng thể khu di tích và không có liên quan đến vai trò lịch sử của hồ Văn.
Đến nay Hà Nội quyết tâm thực hiện và hoàn thành dự án phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại hồ Văn, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của các cơ quan như Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội. Mới đây, ngày 3/5/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành văn bản chỉ đạo Sở VH&TT, Công an TP, UBND quận Đống Đa, Ban Tôn giáo TP về việc đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công công trình phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn.
Theo đó, phương án phục dựng tòa Phương đình đã được các nhà khoa học, các chuyên gia thống nhất. Toà Phương đình sẽ là kiến trúc duy nhất trên gò. Phương đình ở vị trí trung tâm của gò nằm trên trục thần đạo của tổng thể khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, với kiến trúc phương đình chồng diêm 2 tầng 8 mái, kết cấu bộ khung gồm có 12 cột đá và 4 cột gỗ, mang đậm kiến trúc truyền thống Việt. Tuy nhiên, hiện tại, vướng mắc lớn nhất vẫn là gian thờ tự phát tồn tại trên gò Kim Châu. Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Ban Tôn giáo Thành phố thực hiện công tác di dời đồ thờ tự trong gian thờ trên gò Kim Châu.

Phối cảnh công trình sau khi hoàn thành.

Cũng theo ông Lê Xuân Kiêu, dự an phục dựng toà Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu sẽ được hoàn thành trong vòng 200 ngày. Trong phương án sẽ xây dựng cầu đá sang gò được đặt theo hướng tiếp cận nằm ở phía Tây Bắc của gò. Cầu được chia làm 5 nhịp lớn, 4 hàng chân cột và được chế tác bằng đá xanh trang trí chạm khắc với các chủ đề dân gian truyền thống cỏ cây, hoa lá… đồng thời có phương án bảo tồn hai cây si cổ thụ và 2 bia đá trong khu vực thờ tự cũ sẽ được di dời sang vị ví trí phía Nam gò Kim Châu. Bởi theo các nhà khoa học đánh giá, hai cây si cổ thụ là một trong những thành phần có giá trị lớn nhất trên gò, gắn liền với sự hình thành và phát triển của gò Kim Châu. Việc tôn tạo cảnh quan sân vườn, kè hồ… cũng được chú trọng thực hiện.
Sau khi công trình phục dựng toà Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu được hoàn thành sẽ mang lại một cơ sở hạ tầng cho hồ Văn trong việc thúc đẩy vấn đề phát huy giá trị di tích. Khi dự án hoàn thành, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch cho các hoạt động văn hóa tại đây nhằm đưa đến cho người dân và du khách một không gian đậm chất truyền thống, kết nối chặt chẽ với khu vực nội tự, trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng.

Tô Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *