Xác định xây dựng ‘Phường văn hóa’, ‘Phường đạt chuẩn văn minh đô thị’ là cơ sở để xây dựng môi trường, nếp sống văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội gắn với những yêu cầu của nếp sống văn hóa công nghiệp, đô thị thời hiện đại nhằm trực tiếp phục vụ đời sống của nhân dân, quận Tây Hồ đã xây dựng Đề án “Xây dựng Phường văn hóa, Phường đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn quận Tây Hồ”.
Nhiệm vụ xây dựng Phường văn hóa đã được Ban chấp hành Đảng bộ quận Tây Hồ đặt ra từ năm 2010, là một trong các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận khóa V, nhiệm kỳ 2015-2020. Tính đến hết năm 2020, toàn quận đã có 05 phường đạt danh hiệu “Phường văn hóa”; gồm các phường: Quảng An (2013), Nhật Tân (2015), Phú Thượng (2019), Xuân La (2019), Bưởi (2019); 03 phường còn lại đang tiến gần đến danh hiệu “Phường văn hóa”. Công tác xây dựng Phường văn hóa đã thu được những kết quả đáng khích lệ, môi trường văn hóa đã từng bước được cải thiện, an ninh-chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, cảnh quan môi trường đô thị trên địa bàn quận ngày càng khang trang, sạch đẹp, các thiết chế văn hóa, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng, đã tạo thành một phong trào toàn dân, toàn diện và rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, chung tay xây dựng. Việc xây dựng Phường văn hóa tạo tiền đề cho việc xây dựng Phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Đề án “Xây dựng Phường văn hóa, Phường đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn quận Tây Hồ” đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 03 phường đạt danh hiệu “Phường văn hóa” và 02 phường đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”
Quận Tây Hồ xác định, xây dựng Phường văn hoá là lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời huy động mọi nguồn lực trên địa bàn quận tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa; phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để đạt được những mục tiêu đó, quận Tây Hồ đã đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn quận. Quận cũng chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để Đề án thực sự có hiệu quả trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Thu Hằng