Di sản – Bảo tồn

Thống nhất phương án nghiên cứu bảo tồn phía Đông khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có Văn bản số 562/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc bảo tồn và khai quật Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức).

Theo đó, Cục Di sản văn hóa thống nhất với đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc khai quật và bảo tồn Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, gồm các nội dung: Thực hiện nghiên cứu bảo tồn khu vực phía Đông khu di chỉ, với diện tích khoảng 6.000m2, để đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội. Đồng thời, thực hiện phương án khai quật, di dời di tích, di vật ở khu vực phía Tây khu di chỉ.

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). Ảnh: Vtc.vn

Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương tiến hành lập danh mục, xây dựng hồ sơ xếp hạng khu di chỉ theo quy định, để bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan. Căn cứ vào quy mô diện tích để xây dựng phương án khai quật, di dời di tích, di vật ở khu vực phía Tây; xin ý kiến các nhà khoa học và cơ quan quản lý liên quan; đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân địa phương trước khi triển khai thực hiện.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất hai phương án bảo tồn di chỉ. Phương án 1, thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000 m2); đưa khu vực này vào danh mục di tích của thành phố. Từ đó, xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích; đồng thời, thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía Tây khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố.

Phương án 2, thực hiện nghiên cứu bảo tồn toàn bộ diện tích khu vực phía Tây khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000 m2) giống như ở khu vực phía Đông, nhằm bảo tồn toàn bộ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (diện tích khoảng 12.000 m2). Tiếp đó, đưa toàn bộ khu vực di chỉ vào danh mục di tích của thành phố, đồng thời xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, xếp hạng, tiếp tục khai quật khảo cổ, xây dựng các công trình văn hóa phụ trợ… Tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố Hà Nội, đoạn qua khu vực di chỉ, nghiên cứu làm cầu vượt.

Tuy nhiên, Sở đề xuất nghiên cứu, bảo tồn khu di chỉ theo Phương án 1 với lý do, đảm bảo sự hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di tích, vừa phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *