Văn hóa

Lấy ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đăng tải lên Cổng thông tin điện tử dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, người dân quan tâm, từ nay đến hết ngày 01/12/2021.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 9 chương, 80 điều, quy định nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo Luật nêu rõ đối tượng áp dụng là: Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, công dân Việt Nam; Cơ quan, tổ chức ngoại giao, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; cá nhân người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Luật này áp dụng đối với cả những trường hợp vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Theo điều tra quốc gia công bố năm 2020, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra). Ảnh minh hoạ.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 10 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2008. Việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật PCBLGĐ đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện các điều ước quốc tế, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực trái với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xóa bỏ những hủ tục, tư tưởng lạc hậu để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Sau hơn 13 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm PCBLGĐ không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) đều bị lên án và xử lý. Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.
Mặc dù vậy, tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm.
Việc sửa đổi Luật PCBLGĐ hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong tình hình mới.

VH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *